LTS: Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 ngày 28-9 vừa qua tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu những ý kiến tâm huyết đối với bài phát biểu trên của Thủ tướng.

* Tinh thần trách nhiệm, giá trị nhân văn cao cả

Đại tá, ThS VŨ HỒNG KHANH (Viện Chiến lược Quốc phòng)

QĐND - Chiều 27-9 (sáng sớm 28-9-2013 theo giờ Hà Nội), trong phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 68 tại Niu Y-oóc (Hoa Kỳ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu mang tựa đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”, trong đó khẳng định: Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ nhằm góp phần “kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta”.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một thông điệp khẳng định, Việt Nam là một nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nên nhân dân Việt Nam rất thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với những thách thức an ninh chung. Là một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển với chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế.

Việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ có thể được coi là bước phát triển mới của quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của nước ta, khẳng định Việt Nam là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn mong muốn đóng góp vào sứ mệnh cao cả của LHQ là giữ gìn môi trường hòa bình và phát triển. Sau 30 năm chiến tranh, đất nước ta bị tàn phá nặng nề, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, song Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một thành viên LHQ. Mặc dù chưa trực tiếp tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, nhưng kể từ năm 1996 đến nay, Việt Nam vẫn liên tục đóng góp về tài chính cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Hiện nay, với việc cử lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cho thấy, Việt Nam “sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp Việt Nam giành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại trong phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68.

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là trách nhiệm mới của quân đội ta, một quân đội cách mạng do Đảng ta và Bác Hồ thành lập, giáo dục và rèn luyện. Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ là một cơ hội để cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện phẩm chất và năng lực của Bộ đội Cụ Hồ. Đây cũng là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ quân đội ta trải nghiệm thực tế, nâng cao hiểu biết về luật pháp quốc tế, kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế; kiến thức và kỹ năng phối hợp hoạt động của các lực lượng đa quốc gia và tiếp xúc với các kiến thức, kỹ thuật quân sự mới.  Qua thực tế tiếp xúc với quân đội và nhân dân các nước, cán bộ, chiến sĩ ta sẽ được rèn luyện và nâng cao khả năng chỉ huy, tổ chức, hiệp đồng, cơ động và trình độ đối phó với các tình huống xảy ra.

Tuy nhiên, tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội ta, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư­ t­ưởng, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Đó là những chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, có kiến thức chuyên môn sâu, hiểu biết rộng về luật pháp quốc tế. Đó cũng là những “đại sứ hòa bình”, thể hiện tinh thần trách nhiệm, mang những giá trị nhân văn cao cả của nền văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tự hào, tin tưởng trước vị thế, uy tín của Việt Nam

* Kỹ sư MAI THẾ HÀO (Chuyên viên Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ai cũng bày tỏ niềm tự hào, tin tưởng trước vị thế Việt Nam, uy tín Việt Nam, thông điệp Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ. Hai vấn đề cốt lõi được Thủ tướng Việt Nam đề cập sâu sắc, đó là chiến tranh và vấn nạn đói nghèo. Đây là hai mặt của mối quan hệ biện chứng. Chiến tranh đã đẩy hàng tỷ người trên Trái Đất rơi vào đói nghèo. Và chính đói nghèo, sự gia tăng phân hóa giàu nghèo trên phạm vi toàn cầu là một trong những nguyên nhân của chiến tranh. Các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã nỗ lực để ngăn chặn chiến tranh, đẩy lùi nghèo đói, song những mầm mống nguy cơ chiến tranh vẫn hằng ngày, hằng giờ hiện hữu trong cuộc sống xã hội loài người. Bóng đen của đói nghèo, lạc hậu vẫn bao phủ một phần lớn Trái đất và đang có nguy cơ lan rộng.

Nhìn ra phạm vi toàn cầu để chúng ta có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về đất nước mình, dân tộc mình. Rõ ràng là đã và đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, song có thể thấy những giải pháp vĩ mô, những chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo của chúng ta đã và đang mang lại những thành quả to lớn. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn không ngừng khởi sắc. Đời sống nhân dân được nâng lên. Càng ngày càng có nhiều những chương trình hướng đến người nghèo thiết thực, hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội đang góp phần làm thay đổi căn bản hệ thống hạ tầng nông thôn, nâng tầm trình độ nhận thức của người dân, cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Các mục tiêu về y tế, văn hóa, giáo dục cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã và đang thúc đẩy kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi đến cộng đồng LHQ những thông điệp rõ ràng, thể hiện tinh thần, thái độ trách nhiệm và giá trị văn hóa nhân văn của dân tộc, nhân dân Việt Nam đối với sứ mệnh toàn cầu.

THANH KIM TÙNG (ghi)

* Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình


Đại tá PHẠM KIM CƯƠNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 4

Với những phân tích, lập luận súc tích, sắc sảo, giàu sức thuyết phục, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, một lần nữa đã thể hiện thông điệp hết sức rõ ràng về quan điểm, chủ trương của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quan hệ quốc tế. Trước những biểu hiện xung đột, nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ ở nhiều nơi trên thế giới, hơn lúc nào hết, thế giới cần sự chung tay, góp sức, sự kiềm chế của các quốc gia, nhất là các cường quốc để duy trì môi trường hòa bình, hữu nghị để hợp tác và phát triển. Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, đã, đang và sẽ làm hết khả năng của mình để góp phần gìn giữ hòa bình trong khu vực và thế giới. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp bằng giải pháp hòa bình. Hơn ai hết, 90 triệu dân Việt Nam nhận thức sâu sắc về cái giá phải trả khủng khiếp do chiến tranh. Là dân tộc đi lên từ đống đổ nát của chiến tranh, nơi mỗi người dân phải hứng chịu lượng bom đạn gấp 10 lần trọng lượng cơ thể, không một người dân Việt Nam nào mong muốn lịch sử chiến tranh lặp lại. Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chính là tâm huyết được rút ra từ suy nghĩ của mọi người dân Việt Nam: “Sinh mạng con người dù màu da nào cũng quý như nhau. Mạng sống của một người bị cướp đi thì đối với một gia đình dù ở ngay khu Ma-hát-tan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên trái đất cũng đều là mất mát thương đau…”. Ai cũng biết, với tiềm lực quân sự của các quốc gia, nhất là các cường quốc trên thế giới hiện nay, nếu xảy ra xung đột dẫn đến chiến tranh, hậu quả đối với thế giới sẽ tàn khốc, khủng khiếp đến mức nào. Những giải pháp do Thủ tướng Việt Nam đề xuất để góp phần giữ gìn, bảo vệ hòa bình thế giới chính là điều kiện để ngăn chặn “bàn tay” chiến tranh dưới mọi hình thức.

Nghiên cứu bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chúng tôi thấy đây là một tài liệu giáo dục chính trị có giá trị to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi đang tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng, liên hệ sát với nhiệm vụ của Quân đoàn 4, góp phần xây dựng, bồi đắp bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho mọi cán bộ chiến sĩ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

TÙNG SƠN (ghi)