Theo tư liệu của Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế thì sau vụ những người cách mạng rải truyền đơn ủng hộ Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, thực dân Pháp và bè lũ tay sai ráo riết lùng sục, bắt bớ, khủng bố những đảng viên cộng sản...
QĐND - Theo tư liệu của Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Thừa Thiên-Huế thì sau vụ những người cách mạng rải truyền đơn ủng hộ Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, thực dân Pháp và bè lũ tay sai ráo riết lùng sục, bắt bớ, khủng bố những đảng viên cộng sản. Lao Thừa Phủ trở thành nơi thực dân Pháp dùng để giam cầm và tra tấn nổi tiếng tàn ác những người cộng sản ở Huế. Chính tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (em ruột của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai) bị địch tra tấn hết sức dã man. Giữa cận kề cái chết và sự sống, chị Quang Thái vẫn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, trước mọi thủ đoạn tra tấn hèn hạ của kẻ thù, người nữ chiến sĩ cách mạng này đã không một giây nao núng. Ý chí bất khuất, lòng quyết tâm chiến đấu cho Ðảng quang vinh tới hơi thở cuối cùng của chị mãi là tấm gương sáng ngời cho nhiều thế hệ tiếp nối noi theo. Ý chí ấy, tinh thần ấy được chị Quang Thái thể hiện rất rõ qua những vần thơ sau: Mười tám năm nay sống ở đời / Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi/ Trông phường đế quốc lòng ngao ngán/ Thấy bạn cần lao dạ rối bời/ Quyết chí hy sinh thây kệ chết/ Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi/ Ngọn cờ vô sản bao giờ phất/ Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
Trong số những người chiến sĩ bị giam cầm tại lao Thừa Phủ, có một người thuộc dòng dõi hoàng tộc Nhà Nguyễn, rất trung kiên với cách mạng, yêu văn thơ và luôn làm thơ để tự nhắc nhủ mình, vừa để động viên anh em bè bạn. Người đó chính là đồng chí Bửu Ba. Bạn bè trong tù kể lại rằng: Nhân một hôm bọn cai tù cho tù nhân ăn bữa cơm với gân và xương bò, mọi người ai cũng giận, riêng Bửu Ba đã làm thơ như để nhắc nhở mọi người giữ chí hướng: Ði làm cách mạng giết bò gân/ Thế mới là trai trả nợ nần/ Thà bát cơm rau theo chí hướng/ Màng chi danh lợi chịu ngu đần / Giữ lòng bác ái yêu nhân loại / Nuôi chí căm thù chống thực dân / Ngậm đắng cho qua cơn giận dữ / Ðấu tranh rồi có bước thanh tân.
Còn đây là bài thơ của đồng chí Lê Thế Hiếu. Ông giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng khá sớm. Trong quá trình hoạt động bị địch bắt và đày ải vào ngục tối, ông có bài "Kêu gọi quốc dân", lời lẽ chân tình, có sức cổ động mạnh mẽ. Bài thơ khi thì chĩa mũi nhọn vào bọn phong kiến Nam Triều để lật bộ mặt hèn nhát và bạc nhược của chúng: Chốn triều điện cân đai lụng thụng/ Chỉ đua nhau chức trọng quyền cao/ Ngoài ra nào biết chi nào/ Nước non để mặc ai vào chủ trương, lúc lại tố cáo thực dân Pháp cướp nước, bóc lột đồng bào ta: Sự thuế khóa đau lòng chi xiết/ Ðè ép ta, rút huyết mạch ta/ Ðinh điền ngày một tăng gia/ Lại thêm thương chánh cùng toàn kiểm lâm/ Nghĩ nòi giống thương tâm thảo mục/ Kế sinh tồn còn xúc đến đâu/ Gặp khi sưu thuế trưng cầu/ Cầm con cầm ruộng, bán trâu bán nhà. Rồi ông kêu gọi mọi người đứng lên đánh đổ thực dân, phong kiến: Anh em hỡi có hay chăng nhẽ/ Thù non sông há dễ ngồi yên/ Hai mươi lăm triệu Rồng Tiên/ Ta hò ta hét ta lên thử nào/ Quyết đem giọt máu đào Hồng Lạc/ Thề một phen sống thác ra tay...
Những vần thơ, những con người đã một thời góp nên, thắp lên ngọn lửa cách mạng ở một vùng. Những lời thơ ấy là tiếng nói của non sông; những con người ấy là những hạt giống mở đường, góp phần làm nên những mùa xuân chiến thắng. Viết lại, nhớ lại những vần thơ ấy, những con người ấy cũng chính là một cách thể hiện sự biết ơn trân trọng nhất của những thế hệ hôm nay và mai sau đối với các bậc tiền bối của mình. Vâng, có như thế lịch sử của dân tộc ta, của Ðảng quang vinh mới mãi mãi vàng son ...
Vân Anh