QĐND - Tháng 12-1986, trước thực trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng kéo dài ở trong nước, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Ngay từ thời điểm đó cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn xác định đúng đắn đường lối, chủ trương đổi mới, hình thức, bước đi và cách tiến hành phù hợp. Do vậy, công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta từng bước thu được những thành tựu ngày càng to lớn. Sau 10 năm, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội; sau 25 năm, nước ta ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển… Đặc biệt, những thành tựu của công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thu được trong những năm mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng không những góp phần khẳng định sức sống trường tồn của chủ nghĩa xã hội trên thực tế, mà còn góp phần quan trọng khẳng định sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

Trước hết, từ góc độ thực tiễn, thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam góp phần khẳng định sức sống trường tồn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới. Các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã vạch ra quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người là phải trải qua 5 phương thức sản xuất. Từ năm 1917, loài người đã bước vào một thời đại mới-thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã chứng minh: Chỉ trong thời gian ngắn (khoảng 50 năm), những thành tựu mà các nước xã hội chủ nghĩa (đứng đầu là Liên Xô) giành được đã ngang bằng, thậm chí có những lĩnh vực, ngành vượt cả Mỹ và các nước trong hệ thống tư bản chủ nghĩa có bề dày lịch sử phát triển hàng trăm năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến những năm 70, 80 của thế kỷ 20, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để giải quyết những khó khăn, thách thức đó, các đảng cộng sản đã tìm cách tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới. Mỗi nước có đường lối, chủ trương cải tổ, cải cách, đổi mới riêng, nhưng công cuộc cải tổ, cải cách của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đều bị thất bại, dẫn đến chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này bị sụp đổ. Đó là một tổn thất to lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên thế giới trong thế kỷ 20; tuy nhiên, đó chỉ là sự thất bại của một vài mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở các nước này.

Công cuộc đổi mới ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo, tuy diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến bất lợi, nhưng không bị khủng hoảng, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, mà còn từng bước thu được những thành tựu ngày càng to lớn. Sau 10 năm đổi mới, nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội; sau 25 năm đổi mới, nước ta ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển… Đất nước ta đã thay đổi cơ bản và toàn diện, sức mạnh mọi mặt của đất nước được tăng cường, độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, vị thế và uy tín của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Thành tựu của công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và thành tựu của công cuộc cải cách của Trung Quốc đã góp phần khẳng định sức sống trường tồn của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, khẳng định tính đúng đắn của mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực tế đó đã bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động cho rằng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản không thể tồn tại trên thực tế và càng không thể là tương lai của xã hội loài người, nhất là từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ.

Thứ hai, xét dưới góc độ lý luận: Sau 30 năm đổi mới, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một hệ thống lý luận cách mạng, khoa học và tiên tiến nhất thời đại; tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin được vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được bổ sung, phát triển. Sau 5 năm đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng ta đã phác thảo một cách đúng đắn, phù hợp về chế độ xã hội-xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là chế độ do nhân dân lao động làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.

Để xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa như vậy ở Việt Nam, con đường, biện pháp mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiến hành là: Xây dựng nhà nước XHCN, nhà nước của dân, do dân và vì dân; phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại; phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa…

Sau 25 năm đổi mới, do tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, tại Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011), nhận thức của Đảng ta về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta tiếp tục có bước bổ sung, phát triển mới. Theo quan điểm của Đại hội XI, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp…

Đó là những thành tựu thể hiện bước phát triển lớn về tư duy, nhận thức của Đảng ta trong quá trình vận dụng lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của nước ta. Những thành tựu đó là cơ sở để chúng ta củng cố lòng tin vào mục tiêu, lý t­ưởng xã hội chủ nghĩa, khẳng định chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng như ở các nước khác trên thế giới là sản phẩm của sự kết hợp giữa cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù; đồng thời phê phán, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động phủ nhận, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nư­ớc ta. Với ý nghĩa như vậy, thành tựu của 30 năm đổi mới ở nước ta thực sự góp phần quan trọng khẳng định sức sống mãnh liệt của Chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

ĐINH HỮU NGHỊ, Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Sĩ quan Chính trị