QĐND Online - Ngày 17-6, Bộ Y tế đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ Y tế.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vai trò, vị trí đặc biệt của giám định pháp y tâm thần đối với hoạt động tố tụng. Ngoài ra, hoạt động này còn được pháp luật giao nhiệm vụ quản lý, điều trị bắt buộc các đối tượng có rối loạn tâm thần, đánh giá mức độ tổn hại về sức khỏe tâm thần của người bị hại, đánh giá năng lực chịu trách nhiệm hành vi của nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng trong các vụ việc dân sự, hành chính.
 |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao Quyết định thành lập cho Giám đốc 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý, sau một thời gian thực hiện Pháp lệnh giám định tư pháp, hệ thống tổ chức giám định pháp y tâm thần đã bộc lộ nhiều bất cập như tổ chức dàn trải, không có đầu mối tập trung, khó khăn trong công tác đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực dẫn đến các trung tâm pháp y tâm thần chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Vì vậy, việc xây dựng lại mạng lưới tổ chức, chấn chỉnh lại hoạt động, chuyên nghiệp hóa tổ chức giám định pháp y tâm thần trên toàn quốc phù hợp với nhu cầu thực tế xã hội và là vấn đề cấp thiết.
Để các trung tâm pháp y tâm thần sớm đi vào hoạt động, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Vụ, Cục tham mưu, đề xuất việc đào tạo, cán bộ, tuyển dụng cán bộ chuyên môn và xây dựng hạ tầng. Tỉnh ủy, UBND 5 tỉnh, thành phố quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm cấp và bàn giao đất cho 5 trung tâm...
Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ cho biết, 5 trung tâm được thành lập gồm: Trung tâm pháp y tâm thần miền núi phía Bắc tại tỉnh Phú Thọ (thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 9 tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc); Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền Trung tại tỉnh Thừa Thiên - Huế (thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 7 tỉnh gồm: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định); Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (thực hiện giám định pháp y tâm thần cho Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An); Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắc Lắc (thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 7 tỉnh gồm: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phú Yên và Lâm Đồng); Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ tại thành phố Cần Thơ (thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 8 tỉnh: Thành phố Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và An Giang).
Các Trung tâm này được thành lập chịu trách nhiệm giám định pháp y tâm thần theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng và theo yêu cầu của cá nhân và tổ chức cho các đối tượng trên địa bàn phụ trách; bảo đảm chính xác và hiệu quả trong việc thực hiện điều tra, giải quyết các vụ án.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã thành lập được 22 trung tâm giám định pháp y tâm thần. Tuy nhiên, hầu hết các trung tâm được thành lập chưa có trụ sở riêng, vẫn nằm trong bệnh viện tâm thần tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do cơ sở vật chất, trang thiết bị không được đầu tư; đặc biệt nguồn nhân lực tiếu, nguồn lực hạn chế.
Tin, ảnh: THU HƯƠNG