9 tháng năm 2016, kinh tế-xã hội Thanh Hóa tiếp tục ổn định và có bước phát triển với mức tăng GRDP ước đạt 8,06%, là mức tăng cao trong điều kiện còn nhiều khó khăn; thu ngân sách Nhà nước đạt 8.484 tỷ đồng... Khó khăn của Thanh Hóa là chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nhìn chung còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư vào địa bàn...

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, là một tỉnh lớn của cả nước, Thanh Hóa đã xây dựng một số mô hình quản lý, phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá tốt. Kết quả kinh tế-xã hội vượt chỉ tiêu trong bối cảnh khó khăn của cả nước. Đây là thành tựu đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa.

Đặt vấn đề phát triển địa phương trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa làm tốt công tác quy hoạch; chú trọng lựa chọn các ngành, khu vực, lĩnh vực ưu tiên phát triển; xã hội hóa mạnh mẽ mọi nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác hoàn thiện nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả, tinh gọn; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nghị quyết của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Thanh Hóa cần tìm ra những mô hình kinh tế phù hợp, cải thiện hiệu quả đầu tư và năng suất lao động song song với giữ gìn môi trường sống, xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, nâng cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp và nhân dân.

Đề nghị Thanh Hóa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của một “Việt Nam thu nhỏ”, Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai quyết liệt hành động theo tinh thần các Nghị quyết 35, 19 của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho hoạt động của mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo Thanh Hóa coi trọng và tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng, đẩy mạnh đưa doanh nghiệp về nông thôn, ứng dụng rộng rãi hơn khoa học công nghệ trong quản lý và sản suất, từng bước chuyển đổi có hiệu quả lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp. Thủ tướng lưu ý tỉnh tiếp tục chỉ đạo ưu tiên phát triển khu vực phía tây Thanh Hóa-nơi điều kiện sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn và quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư công, không làm phát sinh nợ mới, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của Nhà nước.

Mong muốn Thanh Hóa thực hiện tốt và hiệu quả hơn công tác quy hoạch phát triển đô thị, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới bình quân cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong phát triển kinh tế-xã hội cần làm tốt nhiệm vụ chống tiêu cực, tham nhũng, tránh tình trạng “sân trước, sân sau”; giữ gìn tốt môi trường biển, sông, bảo đảm đời sống người dân trên địa bàn.

Tin, ảnh: TTXVN