QĐND - Ngày 28-1, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp”. Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp có mức độ nguy hại rất cao, do xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy, việc nhận diện, phát hiện, dự báo và đề ra giải pháp đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp không chỉ có ý nghĩa pháp lý, mà còn có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành có liên quan đều thống nhất, tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp trong những năm qua diễn biến khá phức tạp. Nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp chưa được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm uy tín và hiệu lực hoạt động của các cơ quan tư pháp. Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn gặp nhiều khó khăn; chưa huy động được sức mạnh của quần chúng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thiếu cơ chế giám sát có hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế làm phát sinh các loại tội phạm mới và tội phạm có chiều hướng gia tăng. Đó cũng là nguy cơ làm phát sinh các hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Để đẩy lùi nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, các đại biểu đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải minh bạch, rõ ràng trong hệ thống pháp luật, tạo sự giám sát của cộng đồng, nhân dân với hoạt động tư pháp. Việc quy định minh bạch, rõ ràng sẽ hạn chế tối đa quyền năng tùy nghi của các chức danh tư pháp, các quan hệ “ngầm”, phát sinh tiêu cực.

THÙY LÂM