QĐND Online – Đó là chủ đề buổi hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp – Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hội Các nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 27-1.

Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích và đánh giá năng lực hoạt động của  doanh nghiệp (DN), từ đó tạo cơ hội cho DN mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, khẳng định được vị thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI  cho biết: Năm 2014 là năm có nhiều biến động và khó khăn thách thức đối với các DN. Trong nước, sản xuất kinh doanh chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để, như áp lực về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn khó khăn, năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao... Năm 2014 đã chứng kiến hàng loạt DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực, thậm chí là ngừng hoạt động khiến nền kinh tế bị tác động không nhỏ…

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều  nghị quyết, chỉ thị, quyết định nhằm tiếp tục ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn và cải thiện  môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy, năm 2015 sẽ tiếp tục có nhiều sự hỗ trợ từ Đảng, Chính phủ, Nhà nước cho các DN hoạt động và phát triển.

TS Phạm Thị Thu Hằng cùng nhiều chuyên gia chỉ ra: Năm 2015 đã bắt đầu với nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và thuận lợi cho sự phát triển của DN. Trong năm nay, Việt Nam sẽ kết thúc việc đàm phán và ký Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác và chính thức bước vào lộ trình cạnh tranh quốc tế một cách hoàn toàn nhất với đầy cam go và thách thức cũng như nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm 2015, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách cũng như cải cách sâu rộng các thủ tục hành chính cũng sẽ giúp các DN Việt Nam hoạt động ổn định, thuận lợi và phát triển tốt hơn.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) nhấn mạnh: Năm 2015 – năm của những chính sách tiếp tục và sẽ là năm của sự chuẩn bị cho những chính sách mới và lộ trình mở cửa của Việt Nam. Những FTA đã ký kết sẽ tiếp tục lộ trình mở cửa 2 năm, 5 năm, 7 năm. Liên quan tới từng lộ trình mở cửa, Bộ Tài chính sẽ ban hành chính sách thuế phù hợp với từng giai đoạn.

2015 cũng là năm cuối để thực hiện giảm các dòng thuế về 0% đối với hầu hết các mặt hàng, còn các FTA khác sẽ được cắt giảm rất mạnh. Doanh nghiệp cần phải biết chúng ta đang mở cửa đến đâu để có lộ trình chuẩn bị nhằm vượt qua những tiêu chuẩn cần thiết và khó khăn.

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo năm 2015 tiền tệ, lạm pháp sẽ thấp, sẽ linh hoạt hơn, nhưng đây cũng là một năm khó khăn trong bối cảnh đồng đô la tăng mạnh. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong chính sách tài khóa, phát hành trái phiếu.

Tại buổi Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp đã công bố kết quả Báo cáo chỉ số kinh doanh năm 2014.

Báo cáo đã được các chuyên gia đánh giá là khoa học và chính xác bởi được xây dựng trên cơ sở những tài liệu chính xác, công khai và cập nhật, nhất là Bản cáo bạch hằng năm của các DN đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Báo cáo này cũng rất hữu ích bởi nó sẽ phản ảnh được chính xác tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực và quan trọng hơn là nó chỉ ra được sự phát triển của cả nền kinh tế.

Tin, ảnh: XUÂN DŨNG