QĐND Online – Với giả định xu hướng tăng trưởng không biến động lớn trong 3 quý cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 5,3%. Dự báo này vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra trong bản báo cáo vĩ mô hằng quý.
Giải thích căn cứ để đưa ra dự báo, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn số liệu thống kê và phân tích: Tăng trưởng GDP quý I năm 2013 cao hơn cùng kỳ năm 2012, tạo nền tảng ban đầu thuận lợi cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm. Căn cứ chuỗi số liệu từ năm 2001 và áp dụng phương pháp định lượng, việc đưa ra số liệu dự báo trên là hợp lý.
Tuy nhiên, cơ quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan tới tài chính lại nhận định, kinh tế trong nước sẽ vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể, sức sản xuất của doanh nghiệp còn yếu, tổng cầu của nền kinh tế còn thấp, gây trở ngại cho việc tiêu thụ hàng hóa. Động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý I năm 2013 là xuất khẩu, nhưng hàng hóa thế giới lại được dự báo sẽ không tăng, thậm chí giảm. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Dự báo tình hình lạm phát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định khả năng sẽ dừng ở mức 6-7%.
“Cùng với lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm ở mức rất thấp, chưa có điều chỉnh về chính sách giá. Theo thống kê, 10 năm trở lại đây, bình quân lạm phát quý I bằng khoảng 40% cả năm, lạm phát cả năm nhiều khả năng sẽ dưới mức 7%. Tình hình trên tạo dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%, lãi suất cho vay xuống 10%”, bản báo cáo có đoạn viết.
 |
Lạm phát cao sẽ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các siêu thị, dù giảm giá vẫn vắng người mua. Ảnh: Trọng Hải.
|
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sẽ có 5 yếu tố chính tác động đến lạm phát từ nay đến cuối năm.
Thứ nhất, tổng cầu nền kinh tế hiện nay vẫn rất thấp, nên áp lực lạm phát cầu sẽ không lớn.
Thứ hai, yếu tố tiền tệ sẽ có những tác động nhất định với độ trễ nhưng không đáng lo ngại.
Thứ ba, yếu tố lạm phát nhập khẩu và lạm phát nhóm lương thực, năng lượng không tác động đáng kể khi giá cả quốc tế ít biến động. Đặc biệt, giá gạo vẫn trong xu hướng giảm.
Thứ tư, áp lực lạm phát do yếu tố chi phí đẩy đang có những dấu hiệu gia tăng kể từ cuối năm 2012.
Cuối cùng, nhân tố chính chi phối việc thực hiện mục tiêu lạm phát cả năm sẽ là những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá.
Ngoài 5 yếu tố trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị thêm, những biện pháp xử lý nợ xấu và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, cũng cần phải chủ động tính toán lượng cung tiền hợp lý để hạn chế sự gia tăng áp lực lạm phát từ yếu tố tiền tệ.
Năm 2012, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 5,03%, trong khi chỉ tiêu lạm phát đạt mức 6,8%. Như vậy, nếu tình hình diễn biến theo đúng kịch bản dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2013, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012.
MINH THẮNG