Hiện nay, do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới bị suy thoái nghiêm trọng, toàn cầu hóa xuất hiện tình trạng đảo ngược, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, đời sống dân sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Trước bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường đoàn kết phối hợp, chung tay ứng phó thách thức toàn cầu. Lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Việt Nam trong các bài phát biểu tại nhiều sự kiện đa phương đều nhấn mạnh thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường phối hợp, chung tay ứng phó thách thức toàn cầu. Qua đó cho thấy hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế của thời đại, phù hợp với mong muốn của người dân và là lựa chọn chung của đại đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Trung Quốc luôn kiên trì theo đuổi chủ nghĩa đa phương, kiên định con đường phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi, xây dựng nền kinh tế thế giới theo hướng mở cửa, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia lớn nhất về ngành chế tạo, lớn nhất về thương mại hàng hóa và lớn thứ hai về tiêu thụ hàng hóa của thế giới, những năm gần đây, Trung Quốc đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc không tìm kiếm “tách rời” hay “kết bè phái” bài xích nước khác, Trung Quốc sẽ ngày càng mở cửa hơn nữa. Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 5 khóa 19 đã đề ra chủ trương xây dựng bố cục phát triển mới, trong đó lấy tuần hoàn trong nước là chủ thể, hoàn toàn không phải là sự khép kín, mà có sự bổ trợ, thúc đẩy lẫn nhau giữa tuần hoàn trong nước và tuần hoàn quốc tế. Mục đích của chủ trương này là mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy khoa học công nghệ sáng tạo, tiếp tục đi sâu cải cách để làm thông suốt các khâu sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu thụ; nâng cao toàn diện tính tự chủ, tính bền vững và sức chịu đựng của nền kinh tế; đưa nền kinh tế phát triển ổn định, lành mạnh lâu dài. Trung Quốc là một nước lớn có trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ cơ hội phát triển, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với các nước khác.
Với bố cục phát triển mới này, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, ký hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với càng nhiều quốc gia, tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác thương mại đầu tư khu vực song phương và đa phương, hội nhập có hiệu quả hơn nữa vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Với quy mô dân số 1,4 tỷ người, trong đó, hơn 400 triệu người có thu nhập trung bình, thị trường nội địa không ngừng được mở rộng thêm. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt mức 10.000 USD. Nhiều tổ chức quốc tế dự đoán trong năm nay, quy mô thị trường bán lẻ Trung Quốc sẽ cán mốc 6.000 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 10 năm tới hứa hẹn đạt hơn 22.000 tỷ USD. Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhập khẩu thương mại hàng hóa của Trung Quốc đã cơ bản phục hồi tương đương quy mô cùng kỳ năm ngoái. Tháng 11-2020, Trung Quốc tổ chức Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ 3, thu hút doanh nghiệp từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tổng kim ngạch giao dịch đạt hơn 72,6 tỷ USD.
Là khu vực kinh tế năng động nhất, có tiềm năng nhất thế giới, châu Á đang ngày càng trở thành niềm hy vọng khôi phục kinh tế toàn cầu. Năm 2020, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong ba quý đầu năm 2020, vốn đầu tư Trung Quốc vào ASEAN tăng 76,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên có nhiều điểm sáng trong hợp tác như thúc đẩy thành lập Cơ chế liên lạc khẩn cấp y tế công cộng Trung Quốc – ASEAN và Trung tâm dự trữ vật tư chống dịch, cùng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trung Quốc coi ASEAN là hướng ưu tiên trong quan hệ ngoại giao với các nước xung quanh, là khu vực trọng điểm xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao, phía Trung Quốc mong muốn cùng với ASEAN kết nối quy hoạch phát triển, đẩy nhanh khôi phục toàn diện kinh tế khu vực, đi sâu hợp tác kinh tế số, xây dựng năng lực y tế công cộng.
Năm 2020, Trung Quốc và Việt Nam đều đạt “thành tích cao” trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Việt Nam tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 150 tỷ USD, chiếm gần 30% kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN. Trong thời gian tới, hai nước cần phát huy truyền thống hữu nghị tốt đẹp, tăng cường đoàn kết và hợp tác hơn nữa. Việc không ngừng làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nhân dân hai nước. Hai bên cần tăng cường hợp tác cùng có lợi, đoàn kết phát triển, kiên trì theo đuổi chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, đẩy nhanh hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với chiến lược “Hai hành lang, một vành đai”, thúc đẩy hợp tác thiết thực giai đoạn hậu Covid-19 và trên các lĩnh vực khác như: nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, y tế công cộng….
Hai nước cần kiên trì đối thoại hiệp thương, duy trì ổn định khu vực. Hòa bình, ổn định là tiền đề cho sự phát triển thịnh vượng. Là hai nước láng giềng, khó tránh khỏi những lúc bất đồng, hai bên cần nghiêm túc thực hiện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo hai Đảng, hai nước, giải quyết ổn thỏa bất đồng thông qua hiệp thương hữu nghị để duy trì đại cục phát triển và hợp tác hai nước.
HÙNG BA, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam