Việt Nam nỗ lực đóng góp cho sự phát triển quan hệ ASEAN-Nga
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, ASEAN là đối tác chiến lược tin cậy của Nga, Nga sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong phòng, chống, kiểm soát đại dịch, giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế-xã hội, bao gồm tổ chức các khóa đào tạo cán bộ y tế, hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, cung cấp bộ xét nghiệm, thuốc điều trị và vaccine cho các nước ASEAN trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là đối tác chiến lược toàn diện và bạn bè hữu nghị truyền thống của Nga, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Nga. Thủ tướng cảm ơn Nga hỗ trợ vaccine và vật tư y tế cho khu vực, trong đó có Việt Nam và hoan nghênh Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Thủ tướng đề nghị Nga tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng người dân các nước ASEAN tại Nga sinh sống, làm việc và học tập ổn định, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 4. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hai bên cần tận dụng những kênh kết nối sẵn có giúp thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên. Thủ tướng cũng đề nghị Nga đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như: Năng lượng, dầu khí và năng lượng tái tạo. Thủ tướng trông đợi Nga tiếp tục tham gia tích cực vào các diễn đàn do ASEAN chủ trì, ủng hộ vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, ứng phó hiệu quả với các thách thức nảy sinh, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố ASEAN-Nga về Xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và bền vững và Tuyên bố ASEAN-Nga về Hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh và giải quyết vấn đề ma túy toàn cầu.
Ấn Độ và ASEAN hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó Covid-19
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn dầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18 với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thư ký ASEAN.
Tại hội nghị, các nước ASEAN đánh giá cao Ấn Độ tiếp tục dành nhiều hỗ trợ về vaccine, vật tư y tế, thuốc điều trị Covid-19, trong đó có 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, khẳng định ASEAN có vị trí đặc biệt trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ, ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm và cam kết tham gia hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại do ASEAN dẫn dắt. Thủ tướng Ấn Độ khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ ASEAN vượt qua thời điểm khó khăn do dịch bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ASEAN và Ấn Độ là đối tác lâu đời và láng giềng gần gũi, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm đóng góp cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng bày tỏ cảm ơn Ấn Độ đã hỗ trợ vaccine và vật tư y tế cho các nước ASEAN.
Thủ tướng kêu gọi hai bên hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó Covid-19 và phục hồi bền vững, đề nghị Ấn Độ tích cực hỗ trợ các nước ASEAN phát triển công nghiệp dược, tiếp cận đầy đủ và kịp thời các nguồn vaccine, thuốc điều trị Covid-19, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh; trao đổi thông tin, kinh nghiệm phòng, chống Covid-19 và các bệnh dịch khác có thể xuất hiện.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực thiết yếu cho phục hồi như chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, tận dụng hiệu quả cơ hội và tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ của ASEAN cũng như của Ấn Độ; tiếp tục ủng hộ nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN thông qua Sáng kiến hội nhập ASEAN và khuôn khổ hợp tác Mê Công-sông Hằng.
Thủ tướng đề nghị Ấn Độ tiếp tục ủng hộ và đóng góp tích cực cho nỗ lực của ASEAN duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông, đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) , giải quyết các tranh chấp, khác biệt bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và quy trình ngoại giao.
Kết thúc hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về Hợp tác triển khai tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao liên quan. Ảnh: TTXVN |
EAS cần tiếp tục phát huy vai trò và giá trị chiến lược
Trước đó, tối 27-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, cùng lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ và Tổng thư ký ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, EAS cần tiếp tục phát huy vai trò và giá trị chiến lược thúc đẩy hành xử minh bạch, đối thoại thẳng thắn, tạo dựng lòng tin, giúp hài hòa các khác biệt, tăng cường chia sẻ trách nhiệm, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng đề nghị các nước cần chung tay quản lý những thay đổi một cách phù hợp, hiệu quả, đề cao hợp tác đa phương, hài hòa chính sách, phối hợp hành động để ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, ngăn ngừa nguy cơ bất ổn và thúc đẩy phát triển, phục hồi bền vững, nhất là về kinh tế-xã hội sau đại dịch.
Thủ tướng đề nghị các đối tác EAS đẩy mạnh hợp tác nâng cao năng lực y tế, tạo thuận lợi cho tiếp cận đầy đủ, kịp thời vaccine và thuốc điều trị Covid-19, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nâng cao năng lực cảnh báo sớm. Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định ủng hộ cam kết quốc tế về các biện pháp y tế để chống dịch trên toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị ASEAN và các đối tác phối hợp tăng cường cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường của nhau, xuất khẩu và chuyển giao công nghệ số, công nghệ xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phục hồi đồng đều, bền vững và bao trùm ở khu vực và gắn kết với chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng kêu gọi nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo EAS đã thông qua các Tuyên bố EAS về các chủ đề hợp tác sức khỏe tinh thần, phục hồi bền vững, tăng trưởng kinh tế thông qua phục hồi du lịch.
* Chiều 28-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao liên quan và Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022 cho Vương quốc Campuchia.
ĐOÀN CA