Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung tổng số 15/33 điều của Luật Cảnh vệ hiện hành, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Tham gia phát biểu tại tổ, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành; đồng thời nêu rõ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.

leftcenterrightdel

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Đáng chú ý, dự thảo quy định đối tượng cảnh vệ, gồm: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Dự thảo luật cũng bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - đã được xác định là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 35-KL/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Góp ý vào nội dung này, tại phiên thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao như dự thảo luật.

Theo các đại biểu, điều này nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các đại biểu cũng nêu rõ, việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị...

ANH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.