QĐND - Người xưa thường nói, có lòng tin là có tất cả. Với suy nghĩ ấy, nhiều năm qua, cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ các cấp ở Lữ đoàn Phòng không 297 (Quân khu 2) đã thường xuyên củng cố, nuôi dưỡng, bồi đắp niềm tin cho bộ đội bằng những việc làm phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Buổi sáng mùa đông, sương vẫn còn giăng trắng trên đầu, ướt đẫm cành cây, ngọn cỏ. Trong không gian mưa lay phay, trời lạnh thấu xương buốt thịt dễ làm người ta thích “co ro” bên bếp lửa hồng, trong phòng kín cửa cao tường và cũng ngại bước chân ra đường nếu không có việc cần kíp. Ấy thế mà khi tiếng kẻng leng keng vừa vang lên, hàng chục bước chân chiến sĩ nối theo nhau chạy về các ụ pháo, cùng với đó là những tiếng hô “Khẩu đội 1-xong, Khẩu đội 2-xong, Khẩu đội 3-xong...” liên tiếp vang lên đã làm cho trận địa phòng không của Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 tưng bừng, ấm áp hẳn lên. Dưới làn sương tờ mờ, những gương mặt binh nhất, binh nhì vừa toát lên vẻ cương nghị, vừa thể hiện tinh thần phấn chấn, hăng say tập luyện.
Tranh thủ lúc giải lao, tôi hỏi Khẩu đội trưởng, Trung sĩ Đào Việt Anh: “Luyện tập giữa tiết trời giá buốt này, anh em chiến sĩ có bao giờ kêu ca không?”. Việt Anh lấy tay quệt nhẹ những hạt mưa bụi bám trên khuôn mặt, nói một cách tự tin: “Với lính phòng không chúng em, những ngày nắng nóng hầm hập, ngoài trời ngót 40 độ C, trận địa pháo như “chảo lửa” cũng chả đáng ngại, chứ thời tiết hơn chục độ hôm nay, tí nữa chạy đi chạy lại vài lượt thì người lại nóng phừng phừng ngay mà”. Rồi Việt Anh hứng lên, đọc câu thơ vui: “Nắng mưa là chuyện của trời/ Huấn luyện là việc chúng tôi hằng ngày...”.
Đang trò chuyện cùng Việt Anh, bỗng một chiến sĩ đeo băng đỏ trực ban, lễ tiết tác phong chỉnh tề, cầm một cốc nước trà xanh ấm nóng, lễ phép mời tôi: “Em mời anh uống nước ạ!”. Liếc mắt qua, thấy mấy chiến sĩ ngồi quanh nồi nước trà xanh, tay cầm cốc, miệng thổi phù phù cho nước bớt nóng để uống. Tôi nhấp ngụm nước. Chà, chà, cái vị trà xanh đất Tổ đượm nồng, uống vào vừa ấm bụng, vừa chống rét! Nhìn anh em mặt tươi như hoa, miệng cười nói lao xao mà thấy không gian trận địa pháo phòng không ngập tràn tình đồng chí, đồng đội thân thiết. Thiếu tá Trần Văn Chí, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, khuôn mặt dạn dày nắng gió thao trường mà đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui khi bày tỏ với tôi: “Bộ đội có được tinh thần thoải mái như vậy là do nhiều năm qua, đơn vị luôn duy trì bầu không khí dân chủ, đoàn kết, trên dưới đồng thuận trong mọi việc, cùng thực hiện phương châm “cùng làm, cùng hưởng”.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Phòng không 297) đọc báo tại phòng Hồ Chí Minh. |
Mới thoạt nghe, 4 chữ “cùng làm, cùng hưởng” tưởng như khuôn sáo, nói cho “bùi tai” người khác, nhưng các đơn vị của Lữ đoàn Phòng không 297, trong đó có Tiểu đoàn 1, đã thực hiện rất nghiêm túc, nhân văn. Nghiêm túc ở chỗ: Mọi cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện rõ thái độ, trách nhiệm, bổn phận của mình để thực hiện tốt cương vị chức trách được giao, người nào việc ấy, không đùn đẩy, không thoái thác nhiệm vụ, nhất là không “đổ dồn” khó khăn cho cấp dưới. Nhân văn ở chỗ: Mọi chế độ, tiêu chuẩn về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của bộ đội được bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; trong đó, chế độ bảo đảm tài chính, kinh tế, đời sống luôn thực hiện dân chủ, minh bạch, công khai.
Binh nhất Hoàng Phi Nho, chiến sĩ Trung đội tên lửa A72, Tiểu đoàn 4, kể với tôi rằng, những ngày mùa đông này, ngoài cơm ngon, canh ngọt, cơ cấu thức ăn thường xuyên được thay đổi hằng ngày và thức ăn trên bàn lúc nào cũng nóng hổi. Với vẻ mặt hồn nhiên, Hoàng Phi Nho bộc bạch với tôi: “Nhiều lần, em thấy Đại úy Đào Sĩ Tuấn, Tiểu đoàn trưởng, đến kiểm tra bếp nấu nướng, nhắc nhở bộ phận nuôi quân không được chia thức ăn sớm, mà phải gần đến giờ ăn của bộ đội mới chia phần để anh em được thưởng thức những món ăn còn hơi nóng cho ngon miệng”.
Qua tìm hiểu, trò chuyện với nhiều chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 4..., tôi thấy bộ đội đều chung một nhận định: Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy từ tiểu đội đến lữ đoàn luôn dành tình cảm thân thiết cho bộ đội; thường xuyên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của chiến sĩ. Từ nhiều năm nay, vào ngày chính trị, văn hóa tinh thần thứ 5 tuần cuối tháng, 100% chiến sĩ đều được phát “Phiếu thăm dò ý kiến chiến sĩ”. Trong phiếu này chỉ để khuyết danh, song có nhiều câu hỏi “thăm dò” được cấp trên nêu ra để chiến sĩ có thể nêu lên tất cả những ý kiến đóng góp, những đề xuất, kiến nghị và bày tỏ cả những băn khoăn, khúc mắc, nỗi niềm của mình.
Chia sẻ với tôi về tác dụng, ý nghĩa của việc làm trên, Đại tá Nguyễn Đức Thu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy lữ đoàn, cho biết: Mọi ý kiến của chiến sĩ đều được cơ quan chính trị lữ đoàn tập hợp đầy đủ rồi trả lời một cách kịp thời, thỏa đáng. Chính lá phiếu này là một trong những nhịp cầu làm cho mối quan hệ cán-binh, trên-dưới, cơ quan-đơn vị... thêm gần gũi, hiểu biết và gắn bó với nhau hơn. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa, là động lực tinh thần quan trọng để Lữ đoàn 297 thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng là một trong những đơn vị xuất sắc, dẫn đầu trong phong trào thi đua của LLVT Quân khu 2 nhiều năm qua.
Bài và ảnh: THIỆN ANH-NGUYÊN PHONG