QĐND Online - Chiều 20-5, Chính phủ đã trình trước Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.

Sự cần thiết phải ban hành luật

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (Luật HKDDVN năm 2006) được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2007. Với việc tách chức năng quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh, Luật đã đánh dấu bước đột phá về công tác quản lý nhà nước cũng như tạo khung pháp lý cho các hoạt động trong ngành Hàng không dân dụng.

Luật HKDDVN năm 2006 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không nói riêng và của đất nước nói chung, thực sự khẳng định được vai trò là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng không; là cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống tổ chức của hoạt động hàng không dân dụng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Quốc hội họp tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật HKDDVN năm 2006 cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Về vị trí, chức năng nhiệm vụ của nhà chức trách hàng không; hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng không; vấn đề quản lý giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không; vấn đề quản lý, cấp phép bay cho tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; vấn đề sử dụng thương hiệu, nhượng quyền thương mại trong kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung; vấn đề sân bay chuyên dùng; vấn đề an ninh hàng không; vấn đề quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật tại cảng hàng không, sân bay; vấn đề quản lý hoạt động bay; vấn đề vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ.

Ngoài ra còn có đòi hỏi liên quan đến việc tái cơ cấu ngành Hàng không dân dụng Việt Nam; về mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc; về bảo đảm quyền lợi của hành khách, người gửi hàng; chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không.

Cùng với đó là sự đòi hỏi sự tương thích với các điều ước quốc tế về hàng không dân dụng mà Việt Nam đã là thành viên; các điều ước quốc tế đang trong quá trình nghiên cứu, triển khai gia nhập, như Công ước và Nghị định thư Cape Town, Công ước Mônrêan 1999. Những thực tế này đặt ra sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.

Nhiều nội dung mới được quy định cụ thể, rõ ràng

Trong tổng số 202 điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 46 Điều ở các Chương I, II, III, V, VI, VII, VIII và IX, chiếm 22,8 % tổng số điều của Luật.

Theo Dự thảo luật: Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Việc thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải có giấy phép do Bộ Giao thông vận tải cấp. Người đề nghị cấp giấy phép phải nộp lệ phí.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; thủ tục cấp, công nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, Giấy chứng nhận loại; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay, bao gồm cả tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, trừ sân bay chuyên dùng. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không, sân bay nội địa."

Dự thảo luật cũng quy định rõ: Tàu bay Việt Nam, tàu bay nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế chỉ được phép cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế; trường hợp tàu bay cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay nội địa hoặc trường hợp chuyến bay quốc tế thực hiện vận chuyển nội địa thì phải được Bộ Giao thông vận tải cho phép sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Quốc phòng.

XUÂN DŨNG