C.Mác-lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, người đã cùng với Ph.Ăng-ghen xây dựng nên hệ thống lý luận khoa học toàn diện, sâu sắc về đời sống xã hội. Học thuyết Mác ra đời được phổ biến rộng rãi trong phong trào công nhân, thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản và kim chỉ nam cho hành động cách mạng trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Trải qua thử thách của thời gian, lịch sử nhân loại với biết bao sự đổi thay nhưng Chủ nghĩa Mác vẫn tồn tại, phát triển, mặc cho mọi loại kẻ thù tư tưởng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại. Lý tưởng cách mạng cao đẹp tiếp tục được khẳng định trên thực tế-chủ nghĩa cộng sản là tương lai, sự lựa chọn tất yếu của lịch sử nhân loại.
Với hai phát kiến khoa học vạch thời đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt cơ sở khoa học vững chắc cho sự tồn tại, phát triển học thuyết của mình với ba bộ phận cấu thành: Triết học mác-xít, Kinh tế chính trị học mác-xít, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Sự thống nhất giữa thế giới quan và phương pháp luận, lý luận khoa học và thực tiễn cách mạng, nhận thức và hành động là cơ sở tạo nên sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác không những đã chỉ ra những quy luật chung nhất quy định sự tồn tại, phát triển của xã hội loài người; mà còn trực tiếp nghiên cứu "giải phẫu" xã hội tư bản chủ nghĩa. Mác đã chỉ ra rằng chủ nghĩa tư bản chỉ là một nấc thang trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Toàn bộ quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đầy đủ nhất cho sự tự phủ định nó.
Giai cấp vô sản hiện đại có sứ mệnh lịch sử vĩ đại là thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản phát triển trong mâu thuẫn và đối kháng. Một mặt, nó tạo ra những tiền đề kinh tế-xã hội to lớn với những lực lượng sản xuất phát triển xã hội hóa ở trình độ ngày càng cao. Mặt khác, tích tụ mâu thuẫn cơ bản giữa tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất với tính chất tư nhân của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và nhiều hệ quả xã hội khác cần phải giải quyết. Mâu thuẫn đó, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp không ngừng trong xã hội. Cách thức giải quyết những vấn đề đó là thông qua cách mạng vô sản, đập tan nhà nước tư sản, xoá bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa... giải phóng những nhân tố tiềm năng của xã hội mới đã phát sinh trong lòng xã hội tư sản.
Mác nhấn mạnh rằng, Chủ nghĩa cộng sản nảy sinh ra từ nền đại công nghiệp và những hậu quả của đại công nghiệp, từ sự xuất hiện của thị trường thế giới và những cuộc khủng hoảng của thị trường thế giới. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chủ nghĩa Cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện thời của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới. Nhưng điều đó không làm hạn chế những hình thức và bước đi phong phú của chủ nghĩa cộng sản, như Lê-nin đã nhận xét: "Tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội".
Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp vô sản nhất thiết phải tổ chức ra bộ tham mưu chiến đấu là Đảng cộng sản-bộ phận tiên tiến, giác ngộ, kiên quyết cách mạng nhất, đại biểu trung thành cho lợi ích của phong trào, các lực lượng cách mạng. Phát triển học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới của Mác, Lê-nin đã trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện được đội ngũ những người lãnh đạo cách mạng trung kiên đưa cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917) tới thắng lợi, nêu một kiểu mẫu về vận dụng sáng tạo, phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển cả về lý luận và thực tiễn.
Lịch sử nhân loại chưa từng chứng kiến một học thuyết xã hội nào, mà ảnh hưởng của nó đối với vận mệnh của toàn nhân loại lại sâu rộng như chủ nghĩa Mác. Có lý luận cách mạng soi đường, các cuộc cách mạng vô sản trên thế giới đã nổ ra và giành thắng lợi vừa là sự kiểm nghiệm, chứng minh tính khoa học, cách mạng của Học thuyết Mác. Từ Công xã Pa-ri (1871) đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), tiếp theo là sự ra đời của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sau Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc (1945), rồi đến sự khủng hoảng, sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô (1991) cùng với những thắng lợi của công cuộc cải cách, đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế ở Trung Quốc, Việt Nam... những năm gần đây. Chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử nhân loại. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, mà là kim chỉ nam cho hành động và sự phát triển là không có giới hạn. Lê-nin đã nhiều lần cảnh báo những người cộng sản rằng, không được coi lý luận của Mác như là một cái gì đó xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, cần tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Từ lý luận khoa học áp dụng vào thực tiễn đấu tranh cách mạng, Học thuyết Mác đã không ngừng được bổ sung, phát triển đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng ở mỗi nước, trong từng thời kỳ cách mạng. Giai cấp công nhân và những người cộng sản trên toàn thế giới kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mục tiêu, lý tưởng cộng sản, gắn mục tiêu chủ nghĩa xã hội với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội. Hơn nữa, thông qua cuộc đấu tranh bền bỉ với các loại kẻ thù tư tưởng ở cả bên ngoài và trong nội bộ để bảo vệ, phát triển bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Từ năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, hy sinh nhưng thắng lợi vẻ vang. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Thực tiễn phát triển đất nước trong những năm tới đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận cần giải quyết đưa đất nước tiếp tục phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là thiết thực biến lý tưởng cộng sản thành hiện thực trực tiếp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Kiên trì đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, trên cơ sở ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, tăng cường vai trò của Nhà nước; phát triển kinh tế, điều phối một cách hợp lý thị trường đi đôi với chăm lo những vấn đề an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; giải quyết tốt mối quan hệ, sự tương tác giữa thị trường và Nhà nước, phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn Việt Nam ở từng giai đoạn. Là một Đảng cầm quyền, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo; nâng cao trình độ, năng lực bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ cả đức và tài, trong đó đức là “gốc”, xứng đáng là người lãnh đạo, người “đày tớ” thật trung thành của nhân dân; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân; phát huy sức mạnh toàn dân đoàn kết thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đại tá, PGS, TS Phạm Văn Nhuận