QĐND Online – Đó là khẳng định  của nhiều chuyên gia pháp luật tại cuộc hội thảo “Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 – Rà soát pháp luật, bảo đảm các quy định của Hiến pháp về quyền con người” do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) tổ chức diễn ra tại thành phố Hải Phòng sáng 20-6.

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu, thuộc 21 bộ, ban, ngành. Ông Phạm Văn Ba, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền cho biết, để hiện thực hoá các quyền hiến định trong Hiến pháp, nội dung triển khai thi hành Hiến pháp có một việc rất quan trọng là rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ban ngành, thực hiện nội dung này.

Quang cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) đánh giá: “Toàn bộ tinh thần của Hiến pháp 2013 là Hiến pháp của con người, vì con người, phục vụ con người với cách tiếp cận mới mẻ, hiện đại, không liệt kê các quyền mà xác định quyền con người là quyền đương nhiên và chỉ có thể bị hạn chế bởi 4 lý do: Quốc phòng an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Tất cả những vấn đề liên quan đến các quy định hạn chế quyền con người đều phải nâng cấp, điều chỉnh bằng luật chứ không dừng ở pháp lệnh được. Qua rà soát bước đầu của Bộ Tư pháp với tổng số 180 văn bản luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quyền con người, có 39 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới. Trong đó, số văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành thay thế gồm 31 văn bản luật, pháp lệnh (22 luật, pháp lệnh được đề xuất cần sửa đổi, bổ sung và 9 pháp lệnh được đề xuất cần thay thế bằng luật). Số lượng văn bản cần được ban hành mới là 8 luật.

PGS, TS Phạm Hữu Nghị

Là một chuyên gia nghiên cứu pháp luật về quyền con người, PGS. TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho hay, ông đã nghiên cứu bộ đôi công ước quốc tế nổi tiếng về quyền con người ra đời năm 1966 và bản Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới để rút ra: Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 hoàn toàn phù hợp công ước quốc tế, tiến bộ hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Về các quy định liên quan tới hạn chế quyền con người, PGS Phạm Hữu Nghị cho rằng, bản Hiến pháp của nước ta còn chưa áp dụng hết những nội dung mà công ước quốc tế cho phép, cụ thể là nội dung quy định tạm đình chỉ việc thực thi quyền trong một số điều kiện khẩn cấp, đe doạ sống còn đến lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Tuy nhiên, PGS Phạm Hữu Nghị vẫn đánh giá rất cao tiến bộ trong các hiến định về nhân quyền của bản Hiến pháp, tập trung nhất ở khoản 2, điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Khoản 2, Điều 14 sẽ trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong xây dựng pháp luật của nước ta thời gian tới và việc chỉnh sửa, bổ sung các văn bản pháp luật không còn phù hợp với Hiến pháp là rất cần thiết.

“Hiến pháp được Quốc hội tuyên bố là có hiệu lực ngay thì những gì không phù hợp là phải tuyên bố bỏ ngay” - ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp kiến nghị. Tuy nhiên, theo PGS Phạm Hữu Nghị, với những pháp lệnh vẫn phù hợp Hiến pháp và có hiệu lực như luật thì không nhất thiết phải đình chỉ ngay. “Trong hoàn cảnh rất cụ thể của ta, pháp lệnh đó có tính chất như luật rồi thì chưa cần đỉnh chỉ. Hướng thứ hai nếu hiểu chặt chẽ thì tuyên bố đình chỉ luôn.Tôi thì theo hướng thứ nhất” – PGS Phạm Hữu Nghị nói.

Để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, theo nhiều chuyên gia, cần làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, trong đó có giải thích Hiến pháp. Ông Lê Hồng Sơn kiến nghị: “Theo tôi cần phải có giải thích Hiến pháp, ngay tôi là chuyên gia pháp luật mà đọc Hiến pháp tôi vẫn thấy có 4,5 nội dung có thể có 2-3 cách hiểu khác nhau.

Tin, ảnh: NGUYÊN MINH