QĐND - Trải qua nhiều năm thăng trầm, giờ đây, mỗi ngày làng nghề mì Thủ Dương (Nam Dương, Lục Ngạn, Bắc Giang) sản xuất và tiêu thụ 15 tấn mì khô, thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng tạo công ăn việc làm cho 2000 lao động.

Làng nghề mì truyền thống ở thôn Thủ Dương được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ trước, do một người Hoa truyền lại cho những người dân trong làng. Mì được làm từ gạo của giống lúa bao thai hồng, một giồng lúa dài ngày được trồng trên các chân ruộng cao, có thân cây cao, chịu được gió bão.

Sau khi được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004, tỉnh Bắc Giang đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề với số tiền hơn 4 tỷ đồng; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giúp đỡ gần 100 triệu đồng cho các hộ mua máy xay bột, máy tráng bánh, máy thái mì...

Ông Nguyễn Văn Khang, một hộ gia đình có thâm niên làm mì 30 năm cho biết: “Chế biến 100kg gạo nguyên liệu, thu được khoảng 70kg mì khô. Với giá bán tại cơ sở 17.000 đồng/kg, thì tạ gạo thu lãi hơn 200 ngàn đồng. Như nhà tôi có 4 lao động, một ngày làm 150kg gạo thu lãi hơn 300 nghìn đồng. Tính ra mỗi tháng tiền lãi từ làm mì cũng được 10 triệu đồng ”.

Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn bảo hộ nhãn hiệu tập thể mì Chũ. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức hội thảo “Quy trình quản lý nhãn hiệu tập thể và kiểm soát chất lượng mì Chũ”.

“Chúng tôi mong các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện, hỗ trợ kinh phí, xử lý tốt môi trường khói bụi, nước thải, đưa hệ thống nước sạch đến làng nghề, để hội viên có điều kiện vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất xây dựng lò xưởng, tiếp thị tìm kiếm thị trường, tham gia triển lãm giới thiệu sản phẩm”- Đó là những tâm sự của người dân làng nghề mì Thủ Dương.

Nguyễn Khoát