QĐND - Đứng chân trên địa bàn biên giới, điều kiện đi lại khó khăn, nhưng với tinh thần tự lực tự cường, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai đã phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, sát cánh cùng nhân dân địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, từng bước đưa vùng biên khởi sắc.

Vượt qua nhiều con đường dốc quanh co đỏ ngầu bụi đất, chúng tôi mới đến được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 345 (gọi tắt là Đoàn 345), Bộ CHQS tỉnh Lào Cai. Trước mắt chúng tôi là một khuôn viên khang trang, đầy chất lính, sự nền nếp, chính quy. Đón chúng tôi tại sân Sở chỉ huy đơn vị, Đại tá, Đoàn trưởng Nguyễn Văn Đô cho biết: "Đoàn KT-QP 345 được thành lập tháng 3-2005. Đoàn đứng chân và thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 6 xã biên giới thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, gồm: Trịnh Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu và Y Tý. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tham gia quản lý, thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng khu KT-QP... Nói tóm lại là giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xây dựng một vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, ấm no...".

Cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 tăng gia sản xuất.

Để câu "nói tóm lại..." của Đại tá Nguyễn Văn Đô trở thành hiện thực, anh em ở Đoàn 345 đã phải đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. 10 năm gắn bó với vùng biên giới vừa sâu, vừa xa, mọi thứ ban đầu gần như ở con số 0, nên gây dựng được một cơ ngơi như ngày nay là vô cùng gian nan, vất vả. Thượng tá Tạ Văn Việt, Chủ nhiệm Hậu cần, nói với chúng tôi: "Từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận đầu tư từ Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, triển khai xây dựng 6/11 điểm dân cư biên giới với 4 trường học, 4 nhà văn hóa, 2 hệ thống kênh mương tưới tiêu cho 90ha lúa, hoa màu, 2 trạm biến áp, 3.490m đường dây hạ thế, 2,2km đường nội vùng, hỗ trợ dân cư tại chỗ cho 144 hộ/720 nhân khẩu. Đặc biệt, hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng hiệu quả 5 dự án đường giao thông bê tông xi măng tại 3 xã: Trịnh Tường, Nậm Chạc và A Mú Sung dài 14,7km, 1 công trình dẫn nước tưới cho 45ha ruộng dài 2,8km...".

Làm công trình cho nhân dân rồi lại phải hướng dẫn nhân dân cách làm ăn sao cho ngày càng khá lên. Vì thế, Đoàn 345 đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: Trồng khoai tây vụ đông, trồng dược liệu, chuối cao sản, dứa, vườn rau hộ gia đình, mô hình nuôi chim bồ câu nhốt, nuôi ong tự nhiên lấy mật, nuôi vịt thương phẩm, mô hình chăn nuôi dê, trâu, bò... để giới thiệu cho nhân dân học tập và làm theo. Vì vậy, chỉ sau ít năm đã có hàng trăm hộ gia đình biết cách làm kinh tế gia đình và dần thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chỉ tính riêng năm 2014, trên địa bàn 6 xã mà đoàn phụ trách đã có 395 hộ thoát khỏi diện nghèo, riêng xã A Mú Sung giảm được tới 86 hộ nghèo,  chiếm hơn 20%.

Đi đôi với việc hướng dẫn bà con làm kinh tế, đơn vị tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân. Ở vùng sâu, vùng xa kẻ xấu thường lợi dụng để truyền đạo trái pháp luật, rồi các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại nên việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là rất cần thiết. Năm 2014, đoàn cũng đã tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân được 2.450 lượt người, điều trị cho 650 lượt người. Trong những đợt rét cuối năm, đơn vị đã cử 157 lượt cán bộ cùng với cán bộ địa phương trực tiếp xuống từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm. Vì thế, đã hạn chế tối đa thiệt hại cho nhân dân.

Nói về bộ đội Đoàn 345, anh Thào A Súng, ở xã A Mú Sung vui vẻ: “Ông bà, cha mẹ chúng tôi đều sinh ra ở đây. Đất đai rộng, nhưng năm nào cũng thiếu ăn vì thói quen canh tác phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Mấy năm gần đây, gia đình tôi đã có trâu buộc trong chuồng, gà vịt đầy sân và lúa, ngô trong nhà rồi. Có được như vậy là nhờ cán bộ 345 đấy...". Còn chị Vàng Lu Mẩy, ở thôn Tùng Sáng thì kể: “Khi các chú bộ đội về đây, đã giúp chúng tôi cách trồng rừng, chăn nuôi, làm đường cho dân đi nữa. Những việc làm của bộ đội giúp người dân xóa bỏ được các hủ tục, bọn trẻ được đi học, cuộc sống đã có nhiều thay đổi rồi”.

Sau 10 năm đứng chân trên địa bàn Bát Xát, Đoàn KT-QP 345 đã làm được khối lượng công việc khá đồ sộ. Hiện nay, các dự án mà đoàn đã triển khai đều phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân được cải thiện tích cực. Nhân dân yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với vùng biên, tạo phên giậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH