Kéo cờ Mỹ xuống tại Đại sứ quán Mỹ vào sáng 30-4-1975

QĐND Online - Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) giờ đây đã gần 80 tuổi, song hơn 30 năm qua, những sự kiện của ngày 30-4-1975 ông vẫn nhớ như in, bởi những ngày tháng Tư là những ngày lưới tình báo chiến lược phải nghiên cứu, tham mưu hoạt động rất cao độ. Ông là người đã nắm khá kỹ những hoạt động của Mỹ, chính quyền Thiệu trong ngày cuối cùng để chứng tỏ được vai trò của Mỹ đã đến ngày tận thế ngay tại trung tâm đầu não Sài Gòn - nơi chỉ huy toàn thế trận- những ngày kết thúc của cuộc chiến tranh như thế nào?

Đại tá Tư Cang kể: Sáng sớm ngày 29-4-1975, tại Sài Gòn còn có sự tĩnh lặng. Lúc này, từ 4 hướng, những quân đoàn mạnh với 16 sư đoàn quân giải phóng đang áp sát, bao vây tất cả 4 hướng của Sài Gòn. Sáng đó, những loạt pháo lớn, chính xác đã mở những đợt tập kích dữ dội vào các đường băng của phi trường Tân Sơn Nhất và Bộ tư lệnh hành quân. Nhiều đường băng đã bị bộ đội ta phong toả, máy bay chiến đấu không thể cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất.

Vòng vây của quân giải phóng càng lúc càng siết chặt, nhất là chiều tối 29-4. Nỗi sợ hãi của những nhân viên Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn tối ngày này lên đến tột độ. Đội bảo vệ đại sứ Mỹ, cùng với 4 đội PPSU - các đội di tản - đang tỏa ra khắp thành phố đón gia đình các sĩ quan Mỹ, cảnh sát, đặc biệt các tướng lĩnh và gia đình các tướng lĩnh chính quyền Sài Gòn đi di tản.

Sáng 30-4-1975, thỉnh thoảng đạn rốc-két của quân giải phóng tấn công vào Sài Gòn. Phi trường Tân Sơn Nhất đã bị khống chế hoàn toàn bằng các loạt pháo 122 li của bộ đội ta. Bên ngoài tòa đại sứ Mỹ, có khoảng 5.000 người vây kín các bức tường bên ngoài, tìm cách leo vào trong để trốn chạy, di tản. Lính thủy đánh bộ trấn thủ trên bờ tường, xô đám đông trở lại dưới sự hỗ trợ của các họng súng máy được bố trí ở các góc tầng thượng. Tổng quân số lính thủy Mỹ còn lại đến ngày cuối cùng 30-4 là 65 người. Tất cả đều cố sức ngăn cản biển người đang cố gắng vượt rào toà đại sứ để được di tản. Những người làm việc cho chế độ Sài Gòn lúc ấy hiểu là người Mỹ đang bỏ đi. Ngày Sài Gòn giải phóng đang kề cận từng giờ, từng phút. Họ bắt đầu hoảng hốt. Sáng 30-4, những chuyện di tản rất mất trật tự đã liên tục diễn ra trên nóc căn nhà Toà đại sứ Mỹ, cạnh bức tường tòa đại sứ, trên các tàu chiến biển Vũng Tàu, đến nỗi có trực thăng bị người di tản bám quá trọng tải phải rơi xuống.

Đại sứ Mỹ Graham Martin, nguyên là nghị sĩ, có một con trai đã mất trên chiến trường Việt Nam, lúc này cũng không thể ngồi bình tâm. Sáng 30-4 ấy, ông ta nhận được một công điện mật gửi đến toà đại sứ. Đó là thư của Tổng thống Ford, ra lệnh mở chiến dịch di tản ngay hết người Mỹ còn lại trên đất Sài Gòn.

Trước ngày Sài Gòn sụp đổ 2 tháng, Tổng lãnh sự Albert Francis ở Đà Nẵng yêu cầu Đại sứ Mỹ Graham Martin cấp cho vài vệ sĩ hộ tống mình trong chuyến ra thăm Huế trước 26-3. Khi đó, Đại sứ Mỹ và đoàn bảo vệ còn đáp chuyên cơ từ Sài Gòn đi Đà Nẵng, sau đó lên trực thăng ra Huế, đáp xuống phía đối diện với sông Hương. Hôm sau, Huế thất thủ (26-3), Tổng lãnh sự Albert xuống Đà Nẵng và bay trở lại Sài Gòn. Hai ngày sau, Đà Nẵng thất thủ (29-3), kế đến là các thành phố ven biển miền Trung và ngày cuối của tháng 4 là đến lượt Sài Gòn.

Cuộc di tản hết những tướng tá Mỹ, gia đình và các tướng nguỵ quyền Sài Gòn theo lệnh của tổng thống Mỹ Ford thật là hỗn loạn trong sáng 30-4. Các sĩ quan tình báo QĐND VN còn chốt giữ trong Dinh Độc Lập, như thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, đại tá Nguyễn Văn Tàu… phải rà soát lại, nắm chắc nhiều thông tin để khẩn cấp báo cáo đi các hướng, yêu cầu tập trung truy kích ngay, mở đường cho đại quân ta vào các căn cứ đầu não. Từ sáng sớm, các cánh quân ta đã áp sát Sài Gòn. Đúng 6 giờ sáng, đại đội 7, tiểu đoàn 2, trung đoàn 141, sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 do một đoàn xe tăng 7 chiếc gồm 75 chiến sĩ đi đầu, đã từ Hố Nai hành quân tiến về Sài Gòn. Sau 8 giờ, đơn vị vượt qua được cầu Cát Lái (nay ở Thủ Đức- quận 2).

Địch vẫn chống trả quyết liệt ở hai bên đầu cầu Cát Lái, nhất là phía dưới lòng sông, từ những hàng cây dừa nước phủ kín, hướng về quận 2 (nay), làm nhiều chiến sĩ Quân đoàn 4 anh dũng hy sinh ngay trước những giờ, phút cuối cùng vào giải phóng Sài Gòn.

Thượng tá Hoàng Cao Đại, hiện là là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 4, lúc đó là chính trị viên đại đội 7 đi xe tăng đầu trong đoàn 7 xe tăng qua cầu Sài Gòn và nhắm thẳng hướng Dinh Độc Lập. Số người ra hôi của tại chân cầu Sài Gòn, nơi có Tân Cảng khá đông, các anh bộ đội phải nhờ những chiến sĩ biệt động Thành ra dẫn hướng trực chỉ vào dinh Độc Lập. Khoảng 9 giờ thì cuộc di tản của các tướng tá Mỹ trên nóc căn nhà Toà đại sứ Mỹ kết thúc. Dọc đại lộ từ đài Truyền hình Sài Gòn - vẫn do một đơn vị tâm lý chiến nguỵ quyền bảo vệ tránh số người đến hôi của - trở vào Dinh Độc Lập, các đoàn xe tăng của ta chạy nhanh băng qua nhiều chướng ngại vật, và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 lịch sử đó, chiếc xe tăng 390 húc đổ cách cổng chính của Dinh Độc Lập. Cán bộ, chiến sĩ đại đội 4 xe tăng của lữ đoàn 203, những người đã húc 2 cánh cổng chính, cắm cờ Dinh Độc Lập buổi trưa 30-4 đã hoàn thành sứ mạng vẻ vang của mình.

Trưa 30-4, hàng vạn người dân Sài Gòn đã tay cầm cờ giải phóng, tung ra đường phố mừng những chiến sĩ giải phóng quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bình yên của một Thành phố đã bắt đầu, không có cảnh chết chóc, hỗn loạn khi nhân dân Sài Gòn đã làm chủ Thành phố.

Phạm Bá Nhiễu