Lớp học xóa mù trên biên giới Rờ Kơi.

Biên giới Kon Tum dát một màu vàng óng ả của thiên nhiên, của hoa Cúc Quỳ. Xuân này, bà con vùng biên dường như vui hơn, đầm ấm hơn, khi những “mô hình điểm” đang phát huy những giá trị đích thực. Đời sống đồng bào ngày một đủ đầy. Trong sắc nắng vàng đầu Xuân, từng đoàn thiếu nữ má hây hây đến trường như đi trảy hội...

Từ mô hình “kinh tế hộ gia đình”...

Vít cong cần rượu, ông Trần Văn Thanh, mời chúng tôi thưởng thức món đặc sản của đồng bào. Trong mâm cỗ Tết, đủ cả dưa hành, bánh chưng, thịt gà và cá rán. Tay gắp thức ăn cho khách, miệng không ngớt giới thiệu “ở thôn Dục Nội này, gia đình tôi được đồn Biên phòng (ĐBP) Đăk Dục chọn làm điểm để xây dựng mô hình kinh tế trang trại, không có bộ đội biên phòng, mâm cỗ Tết sao có được đủ đầy sản vật”. Một mô hình kinh tế cứ rõ dần, rõ dần qua lời kể của ông:

… Ngày ấy, ở Kon Tum cà phê đang trong giai đoạn rớt giá khiến cho người trồng cà phê lao đao. Nhiều gia đình phải chặt bỏ cà phê để thay thế loại cây trồng khác. Gia đình ông Thanh cũng vậy, tay đốn những cây cà phê mất bao nhiêu năm trời chăm sóc mà lòng đau như cắt, “bỏ thì thương, vương thì nặng” vì giá trị cho thu hoạch không đủ chi phí cho công lao động, chăm bón. Trước tình trạng ấy, lãnh đạo chỉ huy ĐBP Đăk Dục đã cử những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm trồng cà phê đến nhà vận động gia đình ông Thanh và những hộ dân khác ngừng chặt bỏ cà phê. Kèm theo đó là hướng dẫn cho họ về kỹ thuật chăm sóc, phòng và chữa các loại bệnh trên cà phê để bà con học tập.

Nhờ tích cực bám bản, bám thôn giúp hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc và trồng các loại cây công nghiệp, nhiều gia đình đã ngừng ngay việc chặt phá cà phê, khai hoang mở rộng diện tích cà phê, đầu tư trồng mới các loại cây công nghiệp khác như cao su, bời lời. Để bà con tin, đồn Biên phòng Đăk Dục đã chọn ra 3 hộ gia đình ở hai xã Đăk Dục và Đăk Nông của huyện Ngọc Hồi, xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế hộ gia đình để nhân rộng ra trong toàn khu vực. Đó là gia đình ông Kring Vươn ở thôn Nông Nội, xã Đăk Nông; gia đình ông A Na Muốt ở thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục và gia đình ông Trần Văn Thanh ở thôn Dục Nội, xã Đăk Nông. Đến nay, những hộ gia đình này kinh tế trang trại phát triển mạnh theo mô hình VAC, các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, bời lời đang phát triển rất tốt. Trong đó, mỗi gia đình có từ 3 đến 8 héc-ta cao su và cà phê; 15 đến 20 con bò và 0,5 đến một héc-ta ao cá. Riêng gia đình ông Thanh có 3 héc-ta cà phê, 8 héc-ta cao su, 20 con bò và một héc-ta ao cá; gia đình ông A Na Muốt đang chăm sóc 3 héc-ta bời lời, 15 con bò và 0,5 héc-ta ao cá v.v… Đây là những hộ gia đình được ĐBP Đăk Dục bước đầu chọn xây dựng điểm khá thành công, hướng tới sẽ nhân rộng ra trong hai xã Đăk Dục và Đăk Nông, thuộc huyện Ngọc Hồi.

... Đến “điểm sáng văn hóa vùng biên”

Khác với ĐBP Đăk Dục, ĐBP B05 đã chọn mô hình “điểm sáng văn hóa vùng biên”. Từ mô hình này, đồn phấn đấu đưa bà con nhân dân xã biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) thoát khỏi cảnh mù chữ, xây dựng xã trở thành điểm sáng văn hóa của tỉnh. Với mục tiêu ấy, chỉ sau một tháng lập kế hoạch, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã xuống làng vận động bà con tham gia học lớp xóa mù chữ. Đến ngày khai giảng, hai lớp học của các thầy giáo quân hàm xanh đã chật cứng học viên, số người đến tham gia theo học vượt quá chỉ tiêu quy định của ngành giáo dục. Theo Đại úy Trần Hải Thanh - Đội trưởng đội địa bàn thuộc ĐBP B05, tính đến thời điểm hiện nay, toàn xã Rờ Kơi đang còn 446 người mù chữ. Phần lớn trong số này là phụ nữ. Do bận việc gia đình, việc nương rẫy, nên vận động được số phụ nữ này đến lớp là cả một quá trình khó khăn. Nhưng do biết phối hợp với lãnh đạo chính quyền địa phương và những người có uy tín như già làng, trưởng thôn các anh đã tìm đến từng nhà tuyên truyền vận động. Đến nay hai lớp học xóa mù đã được hầu hết chị em trong xã tham gia.

Theo chân anh Thanh xuống K Ram, một thôn vừa mới khai giảng lớp học xóa mù chữ cách đây hơn một tháng, chúng tôi thực sự bất ngờ trước sự miệt mài, chăm chỉ của các học viên nữ. Người địu con theo, người còn trên vai chiếc gùi… nhưng tất cả đều chăm chú nghe giảng. Thầy giáo, Trung úy Nguyễn Minh Trung, cho biết: Từ ngày khai giảng đến nay, lớp học này lúc nào cũng duy trì từ 95% đến 100% học viên đến lớp. Điển hình như chị Y Ên, tuy đã 46 tuổi nhưng chưa nghỉ học buổi nào. Giọng xúc động, chị nói: “Ngày trước, mình đang học lớp một thì nghỉ học do chiến tranh. Nay mình tham gia học chữ để sướng cái bụng, để khôn cái đầu. Biết cái chữ, mỗi lần lên trạm y tế xin thuốc biết ký được cái tên của mình, để biết cái sổ liên lạc của con mình các thầy giáo viết cái gì...”. Không những tích cực theo học, chị Y Ên còn giúp anh em trong đội địa bàn vận động được nhiều chị em trong thôn lên lớp học chữ. Ngoài chị Y Ên, trong lớp học làng K Ram còn có bốn chị em khác cũng say mê đến lớp học tập không kém. Trong đó có Y Nhe (sinh năm 1984). Tuy con của Y Nhe chưa đầy 9 tháng tuổi, nhưng ngày nào Y Nhe cũng lên lớp đều dặn. Kể từ ngày khai giảng lớp học, chỉ duy nhất hai buổi Y Nhe nghỉ học do con bị sốt. Hai ngày đó, Y Nhe mượn sách vở của bạn về chép lại và học những bài đó nhờ chồng. Chồng của Y Nhe là A Him đã học hết lớp 6, nên biết chữ và bày cho Y Nhe những chữ chị chưa hiểu. Y Nhe khoe: “Nhờ cái thầy giáo biên phòng, mà mình và các chị trong làng K Ram đã biết đọc được tờ báo, cái đầu mở mang nhiều thứ, tự mình biết lên lịch chăm sóc cây trồng, biết chọn mua thức ăn gia súc để về nuôi gà, nuôi heo. Cái chữ nó làm cho mình biết nhiều thứ lắm…”. Khi chúng tôi chia tay lớp học, Y Nhe dặn: “Bộ đội nhà báo à, khi nào cái báo viết về lớp học của mình, bộ đội nhớ gửi để cả lớp cùng đọc, cả làng cùng vui nghe”.

Cùng Phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh đi cơ sở, chúng tôi được “mục sở thị” hai trong số những mô hình ở các ĐBP trên biên giới Kon Tum. Chúng tôi còn được nghe giới thiệu về những mô hình khác, nhằm giúp bà con nhân dân các dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế xã hội đang được Bộ chỉ huy Biên phòng Kon Tum triển khai một cách quyết liệt. Trước mắt chúng tôi một vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc đang hiện ra những làng, bản giầu có về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh từ những mô hình điểm mà Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đang dầy công xây dựng. Phên giậu của đất nước thêm vững chãi trước thềm Xuân vĩnh cửu của Tổ quốc.

Bài và ảnh: TRUNG ĐẶNG và TRẦN HOÀI