QĐND - Hàng chục héc-ta ruộng đất bị bỏ hoang, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất bị chặn lấp, phá bỏ. Người nông dân nhiều lần kiến nghị chính quyền kêu gọi các chủ dự án xúc tiến đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn không có kết quả. Đó là nghịch cảnh đang diễn ra tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Trong khi các huyện ngoại thành khác đã hoàn thành việc cấy lúa, trồng màu, các xứ đồng tại xã Vân Canh vẫn bỏ hoang, thỉnh thoảng mới thấy một bóng người. Quan sát chúng tôi nhận thấy trên cánh đồng rộng lớn này, nơi thì nước đọng như ao, nơi thì đất khô nẻ, nơi thì ngập ngụa các loại phế liệu xây dựng và cỏ dại mọc um tùm.

Bà Bùi Thị Thủy, ở xóm 6, thôn An Trai, cho biết: “Trong xã, nhiều cánh đồng không thể sản xuất được. Riêng gia đình tôi có 5 sào ruộng, trước đây một năm cấy hai vụ chắc ăn, nhưng từ năm 2008 đến nay không thể trồng cấy gì được. Lý do, lúc thì ngập úng, lúc thì khô hạn. Thế là có ruộng bỏ hoang, mà phải ăn gạo đong từng bữa”.

Ruộng đất bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Anh Bùi Xuân Định, xóm 5 góp chuyện: “Trong sản xuất nông nghiệp “nhất nước, nhì phân....”, nhưng ruộng đồng quê tôi không thể điều tiết nước phục vụ sản xuất, lúc thì khô nẻ cả đồng, lúc thì ngập úng đến bụng. Toàn bộ hệ thống tưới tiêu đều bị chặn lấp. Gia đình nào có nghề phụ còn đỡ, không thì chả biết làm gì mà sống. Một số người dân làm nghề chở cát xây dựng, một số thì ra thành phố làm thuê. Cả xã Vân Canh còn 36,6 ha diện tích đất dịch vụ, 10% được cấp cho các hộ sau khi thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án, nay vẫn chưa được khai thác sử dụng”.

Ngày 8-4-2011, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Thạch, cán bộ địa chính xã Vân Canh cho biết: Trước đây toàn xã có gần 280ha đất nông nghiệp. Theo quy hoạch của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã sẽ được thu hồi để xây dựng các khu đô thị. Tuy nhiên, đến nay xã mới giải phóng được 200ha đất nông nghiệp để giao cho 3 chủ đầu tư thực hiện các dự án: Khu đô thị Vân Canh của Tập đoàn Nhà và Phát triển đô thị Việt Nam; Khu đô thị nhà vườn của Vinapol và Khu đô thị Đại học Vân Canh của Công ty cổ phần An Lạc.

Do công tác bố trí, sắp xếp các dự án chưa được khoa học, nên đến nay cả xã còn tới 60ha đất ruộng xen kẹt rất khó canh tác. Đó là các khu: Đồng Thông, Đồng Chảy (thôn Hậu Ái); Bờ Dừa, Cửa Chùa, Ải A, Ải B (thôn Kim Hoàng); Uây Xa, Cửa Quán, Đồng Cời, Đồng Tiến (thôn An Trai). Trong quá trình san lấp, thi công thực hiện các dự án, toàn bộ hệ thống kênh mương bị phá vỡ và bị lấp, đất ruộng bị bỏ hoang, không thể canh tác được.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Vân Canh cho biết thêm: “Hợp tác xã đã động viên bà con không nên để đất hoang hóa, khuyến khích chuyển đổi sang trồng các cây hoa màu ngắn ngày. Tuy nhiên, chỉ được vài hộ ở gần ao hồ mới trồng rau được, còn lại vẫn để hoang. Hợp tác xã đã lập danh sách các hộ có đất xen kẹt không sản xuất được gửi lên UBND huyện Hoài Đức yêu cầu các chủ dự án đang thi công trên địa bàn hỗ trợ thiệt hại cho người dân nhưng vẫn chưa có động tĩnh gì?”.

Còn theo ông Lê Danh Long, Phó chủ tịch UBND xã Vân Canh: “Vấn đề bố trí sắp xếp lại lao động, sản xuất như thế nào cho hợp lý đang là trăn trở lớn nhất của địa phương. Trước khi sáp nhập về Hà Nội, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã Vân Canh đã được quy hoạch. Vấn đề đất sản xuất trên đất nông nghiệp xen kẹt không thể gieo trồng, đã được UBND xã báo cáo lên UBND huyện Hoài Đức với mong muốn được UBND thành phố phê duyệt, thu hồi toàn bộ diện tích đất xen kẹt giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Hết đất sản xuất nông nghiệp, UBND xã tổ chức các lớp học nghề cho người dân, song ít người mặn mà vì lý do đầu ra không có”.

Ruộng đất bỏ hoang, người dân không có việc làm là một nghịch lý có thật ở Vân Canh. Trong khi đó, được ít tiền đền bù khi thu hồi đất thực hiện dự án, các hộ gia đình trong xã đua nhau xây nhà tầng, mua sắm trang thiết bị trong gia đình. Nay mai, hết tiền, không có việc làm thì sẽ sống bằng gì đây? Sự giàu có của Vân Canh là sự giàu xổi rất kém bền vững, nếu UBND huyện Hoài Đức và UBND thành phố Hà Nội không sớm vào cuộc giúp địa phương giải bài toán trên, thì tương lai không xa Vân Canh sẽ trở thành một vùng quê nghèo ngay giữa Thủ đô.

Bài và ảnh: Phạm Kiên