Trong chiến tranh, những đám cưới được tổ chức tại đơn vị, trên chiến trường, dưới hầm hào công sự, giữa làn bom đạn của kẻ thù... là những hình ảnh đẹp tuyệt vời về tình yêu người lính... Thời bình, hình ảnh “rước dâu về… đơn vị” cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp không kém. Đó là vẻ đẹp giản dị, mộc mạc nhưng đằm thắm tình yêu thương của người lính- Bộ đội Cụ Hồ trong nhịp sống mới…

Sự lựa chọn “thấu tình, đạt lý”

Do đặc thù công tác xa, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hơn nữa, ai cũng xác định: “Đơn vị cũng là nhà của lính” nên nhiều sĩ quan trẻ không ngần ngại đề nghị lãnh đạo, chỉ huy cho phép “rước dâu về… đơn vị”.

Trung úy Lê Văn Sang (gia đình ở Vĩnh Phúc) nhưng công tác tại Nghệ An. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Sang xác định: Công tác ở đâu, lập gia đình ở đấy. Vì thế, anh chọn người con gái xứ Nghệ làm vợ và tổ chức rước dâu về đơn vị mình. Trung úy Đinh Công Dũng (quê Hải Dương) công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có quyết định tương tự: Vợ ở đâu, thủ đô ở đấy... Hầu hết đội ngũ sĩ quan trẻ đều có chung quan điểm: “Rước dâu về đơn vị” không chỉ là lựa chọn “thấu tình, đạt lý” mà còn là nguyện vọng thiết tha của bản thân họ. Đại úy Đặng Trung Kiên (Trường Sĩ quan Chính trị) tâm sự: “Đơn vị là mái nhà chung, đồng đội là thành viên trong gia đình thứ hai của chúng tôi. Vì thế, rước dâu về đơn vị cũng là rước dâu về “nhà mình”!”.

Đôi lứa đẹp duyên, “đơn vị” cũng đẹp lòng

Trong ngày cưới, cùng với niềm hạnh phúc đôi lứa, niềm vui chung của gia đình cô dâu, chú rể thì đơn vị cũng “đẹp lòng, đẹp dạ”. Thượng tá Ngô Đình Quang, chủ hôn đám cưới của Trung úy Nguyễn Trọng Thành phát biểu trước hôn trường: “Hai cháu đẹp đôi, đơn vị cũng đẹp lòng. Từ nay cô dâu Kiều Thị Phúc đã là con của họ nhà trai chúng tôi; là thành viên của đơn vị chúng tôi”.

Văn nghệ “cây nhà lá vườn” chúc mừng cô dâu, chú rể

Ngày vui của Trung úy Lê Văn Sang, cả đơn vị chung tay chuẩn bị. “Lê anh nuôi” xắn tay vào việc, tự biên tự diễn cỗ bàn. Anh em chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, lau chùi bàn ghế, cọ rửa tách ly. Những ai khéo tay thì cắt kẻ, trang trí hôn trường. Chú rể cẩn thận là lại bộ quân phục, cài bông hoa tươi lên túi áo. Đôi ba chiến sĩ phụ giúp, nhắc nhở chú rể việc này, việc kia để ngày mai lễ tân hôn được thêm phần tươm tất. Ai cũng nhanh tay góp việc, tất cả vì hạnh phúc của “đồng chí chú rể” thân yêu của đơn vị mình.

Trong lễ cưới, thủ trưởng đơn vị trực tiếp làm chủ hôn. MC là đồng nghiệp, đội văn nghệ xung kích góp vui. Đơn vị mời thêm ba bốn chi đoàn kết nghĩa đến giao lưu. Tay trong tay, vai kề vai hòa quyện chung những bước nhảy, điệu xòe. Hôn trường rực rỡ, lộng lẫy như ngày hội. Cả đơn vị vui thật là vui, ai cũng hớn hở, diện những bộ quân phục mới nhất, đẹp nhất, chuẩn bị những lời chúc ý nghĩa nhất.

 “Thương hiệu lính” trong ngày cưới

Đám cưới lính giản dị, mộc mạc mà duyên, mà tình. Lễ cưới của Trung úy Trần Minh Tú (công tác Bắc Ninh) với cô Lưu Thị Chung Tình (Gia Lâm, Hà Nội) đơn sơ chỉ bánh kẹo, rượu vang. Đám cưới của Tú và Tình được tổ chức ngay tại hội trường đơn vị. Chú rể diện bộ đại lễ, cô dâu mặc chiếc áo dài trắng... nhưng không khí ngày cưới thật nhộn nhịp, rộn rã. Những cô gái trên quê hương quan họ, ngả nón quai thao buông điệu mời trầu. Chàng lính trẻ đáp lời bằng câu hát se duyên. Quan viên hai họ mời trầu, xơi nước, tấm tắc ngợi khen đám cưới thời nay như vậy mới văn minh. Bố cô dâu không giấu được niềm vui: “Bộ đội các anh thời nào cũng thế, giản dị mà đặc biệt; trong sáng đáng quý và rất đáng yêu!”. Bạn cô dâu - những sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội thì hết đỗi ngạc nhiên: “Đám cưới của Tú và Tình vừa giản dị, tiết kiệm vừa thể hiện được nét văn hóa của con người mới. Cây nhà lá vườn mà giá trị ý nghĩa vô cùng đối với một đời người. Từ bé đến giờ chúng em mới được dự một đám cưới vui như thế”. 

Đón dâu mới ở Trường Sĩ quan Lục quân 1

          Ngày về “nhà chồng” của Vũ Thị Hà Vy (Thuận Thành, Bắc Ninh) thật đặc biệt. Cô dâu vui đến rơi nước mắt bởi cách đón dâu rất đặc biệt của “họ nhà trai”. Tất cả đồng đội cùng đơn vị với chú rể (Đại úy Trần Thanh Trung), trong quân phục chỉnh tề, xếp thành hai hàng dọc vẫy tay đón cô dâu và họ nhà gái ngay từ ngoài cổng đơn vị, rồi đồng thanh hô lớn: “Chúc mừng hạnh phúc”. Cô dâu Hà Vy xúc động nói: “Kính thưa thủ trưởng đơn vị, kính thưa các anh bộ đội. Hà Vy đang rất hạnh phúc!”. Chỉ có vậy, rồi ngay giữa hôn trường cô dâu cứ ôm chặt chú rể khóc nức nở.

Họ nhà gái của cô dâu Phạm Thị Tâm (Đức Phổ, Quảng Ngãi) cũng không thể nào quên những giây phút các chiến sĩ chúc mừng nhau theo cách của lính. Cả đơn vị hát vang ca khúc “Vì nhân dân quên mình” rồi đồng thanh hô lớn: “Chúc Hải-Tâm trăm năm hạnh phúc”. Chú rể đáp từ bằng một ca khúc truyền thống của đơn vị - “Tiểu đoàn 307”, rồi nói lên những lời cảm ơn sâu tận đáy lòng: “Tôi quen em nhờ đơn vị tổ chức giao lưu văn nghệ. Tôi lấy em nhờ đơn vị tổ chức đám cưới... Tôi biết nói gì hơn! Tôi yêu mái ấm này!”.

Trong ngày vui “kết duyên” của đồng đội, có không ít chiến sĩ cũng “bén duyên” mới. Trước lúc chia tay người lính không quên gửi lời tình tự: “Đến đây phải ở lại đây/Ở cho bén rễ xanh cây hãy về”. Người con gái trẻ e thẹn nhận lời và không quên nhắn nhủ: “Nhưng anh phải rước em về… đơn vị đấy!”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN