QĐND Online -  Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam sẽ là tổ chức phi chính phủ thứ 5 song hành cùng Bộ GD-ĐT thực hiện mục tiêu giáo dục cho mọi người Việt Nam. Đây là mục tiêu hoạt động mà Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam công bố sáng 29-1 trong buổi họp báo về Đại hội thành lập.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo.

 

Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) ra đời nhằm tập hợp các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân người Việt Nam cùng hoạt động vì mục tiêu giáo dục cho mọi người Việt Nam; thực hiện kế hoạch hành động quốc gia dành cho bốn nhóm đối tượng: Trẻ em trong độ tuổi giáo dục mầm non (GDMN), học sinh tiểu học, trung học cơ sở và người chưa biết chữ, chưa hoàn thành giáo dục cơ bản.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam khẳng định: Hiệp hội hoạt động nhằm tạo tiếng nói chung, tiếng nói có trọng lượng của các tổ chức xã hội dân sự để vận động chính sách giáo dục, hỗ trợ và góp phần cùng chính phủ đạt được mục tiêu giáo dục cho mọi người Việt Nam. Đồng thời thúc đẩy chính phủ, các nhà tài trợ và các bên liên quan thực hiện các cam kết về giáo dục cho mọi người; đẩy mạnh và hỗ trợ xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đó, Hiệp hội thông qua 6 hành động: Mở rộng và nâng cao chăm sóc GDMN, đặc biệt với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của thanh thiếu niên và người lớn thông qua các chương trình học nghề và kỹ năng sống phù hợp. Đến năm 2015: Tất cả trẻ em đều được đến trường và được tiếp cận với nền giáo dục tiểu học chất lượng; đảm bảo tỷ lệ xóa mù chữ ở người lớn đạt 50%, đặc biệt là cho phụ nữ và đảm bảo cơ hội giáo dục thường xuyên cho người lớn; xóa bỏ mất cân bằng giới tính trong giáo dục ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, tạo cơ hội cho các em gái tiếp cận đầy đủ cơ hội học tập bình đẳng. Nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo đạt các chỉ số đo lường về chất lượng, đặc biệt là tỷ lệ biết chữ, biết tính toán và các kỹ năng sống cần thiết.

Hiện Hiệp hội đã có 38 thành viên là các tổ chức trong nước, trong đó có 2 thành viên là cá nhân. Hiệp hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động, trong đó có thí điểm bộ công cụ dạy ngôn ngữ cho người điếc tại hai quận Thanh Xuân và Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngày 5-2, Hiệp hội sẽ chính thức tổ chức Đại hội thành lập và bầu chủ tịch.

Tin, ảnh: THU HÀ