* Điều chỉnh các dự án không phù hợp quy hoạch vùng

Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo nhận định của Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 31/TTr-BXD ngày 23-4-2008, Vùng TPHCM đóng vai trò đặc biệt trong hệ thống các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM là mô hình quy hoạch của một vùng đô thị lớn lần đầu tiên được lập để làm tiền đề cơ sở cho việc phát triển TPHCM và các tỉnh xung quanh với tầm nhìn tới năm 2050.

Vùng TPHCM sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế, trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực, kết nối các tỉnh thành trong vùng với nhau, kết nối Vùng TPHCM với các vùng quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, TPHCM cũng được quy hoạch xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại – tài chính, dịch vụ cao cấp tầm khu vực và quốc tế ở vùng trung tâm bán kính 30km, các trung tâm dịch vụ cấp quốc gia và cấp vùng với bán kính phục vụ hợp lý; xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị, đặc biệt là vùng đô thị trung tâm có bán kính 30km; hình thành các vùng đô thị đối trọng với các cực phát triển là các đô thị hạt nhân, kết nối với vùng đô thị trung tâm theo các trục hành lang kinh tế đô thị; phát triển các vùng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa.

Phạm vi Vùng TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh xung quanh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,

Tiền Giang với diện tích 30.404 km², bán kính ảnh hưởng 150 - 200km. Phạm vi nghiên cứu bao gồm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu vực liên quan đến không gian phát triển kinh tế - xã hội của Vùng TPHCM trong tầm nhìn hướng tới 2050. Dự báo đến năm 2020, dân số Vùng TPHCM khoảng 20 - 22 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 16 - 17 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 77% – 80%. Đến năm 2050, dân số trong vùng khoảng 28 – 30 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 25 - 27 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%.

Về cấu trúc không gian vùng, Bộ Xây dựng đề xuất thiết lập các đường vành đai đô thị 1, 2 và vành đai cao tốc 3 quanh vùng trung tâm; kết nối các trục cao tốc hướng tâm nối vùng trung tâm và các trung tâm tiểu vùng bằng các trục đường: TPHCM - Trung Lương - Cần Thơ, TPHCM – Mộc Bài, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt, TPHCM - Biên Hòa - Vũng Tàu… theo trục quốc lộ 51, tuyến 14 - N1 đi từ Tây Nguyên xuống ĐBSCL, tuyến cao tốc nối vành đai 3 đi Bắc-Nam.

Để triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng một số vấn đề trọng tâm, trước mắt là thành lập Cơ quan phát triển Vùng TPHCM; giao UBND TPHCM và các tỉnh trong vùng tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh những đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với tình hình mới, bao gồm: quy hoạch chung các TP trung tâm tỉnh lỵ, khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung; giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, TP trong vùng lập quy hoạch GTVT Vùng TPHCM, đặc biệt là phát triển hệ thống GTVT hành khách công cộng...

Theo: SGGP-ANH PHƯƠNG

Gởi tin này qua Email In trang Gửi phản