Với 92,9% số phiếu tán thành, Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội sẽ có hiệu lực từ 1/8/2008
Chiều nay (29/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan.
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng |
Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Báo cáo giải trình của Thủ tướng nhấn mạnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là công việc rất hệ trọng và vì vậy không thể phát triển Thủ đô chỉ trong ranh giới quy hoạch của Hà Nội mà cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch Vùng Thủ đô rộng hơn nhằm giải quyết một cách cơ bản và toàn diện các yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong Vùng.
Chính phủ trân trọng tiếp thu những ý kiến rất trách nhiệm và xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, khẳng định việc mở rộng địa giới hành chính để Thủ đô Hà Nội phát triển với những ý tưởng trong quy hoạch phát triển Vùng, vừa bảo đảm không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài, vừa tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội có hiệu lực từ 1/8/2008
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội từ ngày 1/8/2008. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nướctập trung chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng cùng với lãnh đạo các tỉnh và thành phố có liên quan chuẩn bị tốt một số việc cấp thiết về hợp nhất tổ chức bộ máy để hình thành bộ máy lãnh đạo mới của thành phố Hà Nội; đồng thời chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của thành phố Hà Nội mới năm 2009 để kịp tổng hợp trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2008.
 |
Về một số nội dung còn nhiều băn khoăn của đại biểu Quốc hội như vấn đề kinh phí cho việc thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng khẳng định: kinh phí cho việc hợp nhất các cơ quan của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, sẽ không phát sinh nhiều như các trường hợp chia tách vì không phải xây dựng thêm trụ sở, mua sắm ô tô, tài sản mới; còn cấp huyện, cấp xã sẽ được giữ nguyên.
Về khoản chi thường xuyên cũng không phải bổ sung vì khoản chi này đã được bố trí cho các địa phương trong kế hoạch ngân sách năm 2008. Chính phủ sẽ điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 của thành phố Hà Nội và các tỉnh liên quan cho phù hợp với địa giới hành chính mới. Còn ngân sách năm 2009 của thành phố Hà Nội mới, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng và tổng hợp trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2008 theo đúng quy định của Luật Ngân sách.
Chính phủ cũng cho rằng, nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội sẽ rất lớn, tuy nhiên không chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước mà nguồn vốn này sẽ được khai thác từ nhiều nguồn khác nhau với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách đã được pháp luật quy định. Trên cơ sở quy hoạch và các dự án đầu tư được phê duyệt, sẽ xác định nguồn vốn cụ thể cần phải huy động cho từng thời gian, cho từng dự án. Đây là quá trình lâu dài, Chính phủ sẽ chỉ đạo xây dựng và tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong kế hoạch hàng năm và 5 năm.
Về nội dung tổ chức các đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội mới sau khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tồn tại hai thành phố Hà Đông và Sơn Tây (sau khi Hà Nội được mở rộng) tương đương với thành phố thuộc tỉnh, là đơn vị hành chính cấp huyện, là không trái với Hiến pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu việc tổ chức lại hai thành phố này thành các đơn vị hành chính phù hợp.
Về công tác tổ chức và cán bộ của thành phố Hà Nội sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Chính phủ sẽ khẩn trương làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước để chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy tổ chức và cán bộ của thành phố Hà Nội bảo đảm sự đồng bộ, hợp lý và nhanh chóng ổn định, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô.
Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến của đông đảo đại biểu về việc giữ gìn những nét văn hóa riêng và di tích lịch sử văn hoá của các địa phương khi hợp nhất về Hà Nội, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Chính phủ và Hà Nội đặc biệt quan tâm xây dựng Thủ đô luôn xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Sau báo cáo giải trình của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã có một số ý kiến đánh giá lại quá trình thảo luận về vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh theo chức năng, nhiệm vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định những vấn đề về chủ trương, quyết sách, chứ Quốc hội không làm thay chức năng của Chính phủ cho nguyên tắc tổ chức. Việc thông qua lần này, Quốc hội chỉ thông qua về chủ trương mở rộng địa giới hành chính của thành phố Hà Nội chứ chưa phải là chủ trương quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội. Sau đây, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thường xuyên và yêu cầu Chính phủ hàng năm phải có báo cáo với Quốc hội về những vấn đề này.
Kết thúc buổi làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội với 92,9% số đại biểu tán thành.
Ngày mai (30/5), Quốc hội bắt đầu nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 334.470,02 ha; dân số hiện tại là 6.232.940 người, bao gồm diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Mê Linh, các thành phố Hà Đông, Sơn Tây và các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Thành phố Hà Nội phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và tỉnh Hòa Bình; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ. |
Theo VOVnews