Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) được trình tại phiên họp lần này có bố cục gồm 6 Chương, 40 Điều, quy định về về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; áp dụng cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân và cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến hoạt động đặc xá.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 |
Toàn cảnh phiên họp sáng 7-11. Ảnh: quochoi.vn. |
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho biết, dự thảo luật đã quy định chính sách của nhà nước trong đặc xá đối với những người bị kết án tù, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng khi họ được đặc xá. Cụ thể, Điều 6 của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định: Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Theo đại biểu, quy định như vậy còn rất chung chung. Thực tế, công tác tái hòa nhập cộng đồng của người được tha tù trước thời hạn, được đặc xá cơ bản còn khó khăn cho chính người được tha tù và chính gia đình họ. Nữ đại biểu cho rằng, công tác bảo đảm, tái hòa nhập cộng đồng của người được tha tù là không của riêng ai mà cần có sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, bổ sung, quy định rõ các điều kiện cơ chế bảo đảm cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội. Nhà nước cần có chính sách huy động được nguồn lực xã hội trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giúp đỡ dưới nhiều hình thức, mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương...
Về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4. Có ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước.
Về ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) đồng tình về 3 thời điểm đặc xá được quy định trong dự thảo Luật vì đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án, nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước. “Với các chế định này, tôi đồng tình việc trong luật không quy định cụ thể về thời điểm đặc xá, không quy định tần suất thực hiện đặc xá, từ đó do Chủ tịch nước quyết định tùy tình hình đất nước cũng như thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung”, đại biểu Trần Văn Quý nói.
Ngoài ra, để bảo đảm tính minh bạch khi áp dụng Luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị giao Chính phủ ban hành những văn bản dưới luật hướng dẫn thật cụ thể về tiêu chí xác định những sự kiện được xem là trọng đại để làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá. Đại biểu phân tích, việc xác định rõ nội dung này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu Quốc hội và cho rằng có nhiều ý kiến rất xác đáng, hữu ích cần phải tiếp thu và nghiên cứu. Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga khẳng định, ngay sau phiên họp hôm nay, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật.
PHƯƠNG HẰNG