
|
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Viễn thông. Ảnh: TTXVN
|
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Đảng và Nhà nước là thúc đẩy và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ viễn thông, đặc biệt là việc mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp hạ tầng mạng. Việc chỉ cho các doanh nghiệp nhà nước tham gia xây dựng hạ tầng mạng một mặt sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư, mặt khác sẽ tăng rủi ro kinh doanh vốn Nhà nước trong lĩnh vực này do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau hoặc sẽ hình thành doanh nghiệp nhà nước độc quyền.
Nhiều đại biểu cho biết: Thời gian qua, việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành điện lực, cấp thoát nước, giao thông xây dựng, viễn thông, truyền hình còn nhiều bất cập.
Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch ( TP Hồ Chí Minh), Trần Đình Nhã ( Bà Rịa- Vũng Tàu) đề nghị việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành kinh tế cần quy định rõ để tiết kiệm đầu tư, tránh lãng phí và bảo đảm mỹ quan, cảnh quan môi trường, việc này không chỉ riêng ngành viễn thông giải quyết được, mà phụ thuộc phần lớn vào quy hoạch, xây dựng công trình khác như giao thông, điện lực, đô thị vì vậy cần có quy định rõ trong Luật.
Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ), Trần Thị Dung ( Điện Biên) cho rằng, việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông để cho các doanh nghiệp thuê lại.
Về vấn đề này, tại dự thảo Luật, Điều 60 về sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Điều 61 về quản lý công trình viễn thông đã được soạn theo hướng yêu cầu các ngành sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật ( bao gồm điện, nước, giao thông, viễn thông) và giao Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành để lắp đặt thiết bị viễn thông.
Liên quan đến bảo vệ người sử dụng, đại biểu Nguyễn Thành Tâm ( Tây Ninh) cho rằng: Chất lượng viễn thông chưa cao, pháp luật chưa đủ biện pháp răn đe doanh nghiệp thực hiện cam kết của mình với khách hàng. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung thêm chế tài đối với nhà cung cấp dịch vụ cố tình vi phạm gây thiệt hại cho người sử dụng viễn thông.
Về vấn đề cạnh tranh, các ý kiến cho rằng quy định về thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông (tại Điểm d Khoản 2 Điều 9) là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đề nghị nên làm rõ vai trò Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề tranh chấp cạnh tranh và quy định chức năng của 2 bộ trong vấn đề này theo hướng tập trung đầu mối cho Bộ Công Thương thực hiện và có sự phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để đảm bảo tính thống nhất.
Dự thảo Luật Viễn thông được xem xét thông qua tại hai kỳ họp. Theo chương trình, kỳ họp lần này xem xét, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để Quốc hội điều chỉnh và thông qua tại kỳ họp sau.
Quỳnh Hoa