Xe máy trên phố Hàng Giấy (Hà Nội) không những chiếm kín vỉa hè mà còn tràn xuống lòng đường
UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất chủ trương cấm bán hàng rong trên tất cả các tuyến phố nhằm lập lại trật tự cảnh quan đô thị. Nếu quy định này được ban hành, thực hiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng chục nghìn người lao động nghèo. Tuy nhiên, trong khi đặt vấn đề quản lý chặt người bán hàng rong thì hầu hết vỉa hè của thành phố Hà Nội đang bị sử dụng sai mục đích.

Tìm phương án hợp lý, hợp tình

Xung quanh dự thảo quy định của UBND thành phố Hà Nội vế việc cấm bán hàng rong trên các tuyến phố, hiện có các luồng ý kiến trái chiều. Hầu hết dư luận ủng hộ việc ban hành quy định cấm bán hàng rong trên các tuyến phố Hà Nội nhưng e không khả thi. Cũng có những ý kiến cho rằng, phải có các biện pháp quản lý hoạt động này, cho phép hoạt động theo giờ, tại một số khu vực theo quy định... Về cơ bản UBND thành phố cũng đã thống nhất cho phép người bán hàng rong, hàng ăn uống được phép hoạt động trong các ngõ, phố không tên...

Như vậy UBND thành phố Hà Nội cũng đã nhận thấy việc cấm triệt để bán hàng rong sẽ ảnh hưởng đến đời sống của những người nghèo, thu nhập thấp. Mặt khác, người dân cũng đã quen sử dụng dịch vụ mua bán hàng rong. Việc cho phép bán hàng rong ở các ngõ, phố không tên... có thể là giải pháp hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, phải sửa lại Quyết định 227 ban hành từ trước, cho phép các cửa hàng dịch vụ ăn uống sử dụng hè phố để kinh doanh từ 5 giờ đến 8 giờ và từ 19 đến 24 giờ hằng ngày. Nếu “quản chặt” hàng rong mà “buông lỏng” vỉa hè, lòng đường thì rõ ràng là không ổn.

Sáng 7-1, chúng tôi đi dọc phố Kim Ngưu là nơi có hàng trăm lao động nghèo hành nghề bán hàng rong, nhưng thấy rất ít người bán hàng rong dám chống chân xe ngồi bán hàng như trước. Rõ ràng các cơ quan chức năng ở đây đã ra tay dẹp hàng rong để lập lại trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, rất nhiều đường phố khác đã bị chiếm dụng một cách nghiêm trọng làm chỗ để xe máy, ô tô, kinh doanh hàng hóa. Ở Hà Nội, hiếm có một con phố nào mà vỉa hè được dành trọn vẹn cho người đi bộ .

Khi chúng tôi đi từ phố Nguyễn Thái Học sang phố Nguyễn Lương Bằng cũng thấy tất cả vỉa hè hai bên đường đều bị lấn chiếm làm chỗ để xe và bán hàng. Những cửa hàng bán đèn chiếu sáng, chăn ga gối đệm lấn ra sát mép lòng đường. Đi trước chúng tôi, bốn vị khách bộ hành người nước ngoài lắc đầu ngao ngán khi cứ vài bước đi trên hè họ lại phải nhảy xuống lòng đường. Tuy nhiên, do lượng xe lưu thông dưới lòng đường quá đông và cách chạy xe rất nguy hiểm của một số người nên họ cứ ngoái trước nhìn sau mãi vẫn không sang được đường.

Từ chân cầu Long Biên, chúng tôi hòa vào dòng người đi bộ dọc đường Trần Nhật Duật rồi rẽ vào khu phố cổ. Trên các phố, tất cả những người đi bộ chỉ có một phương pháp đi duy nhất là đi xuống lòng đường. Đường Trần Nhật Duật hầu như không có một đoạn vỉa hè nào người đi bộ có thể đi được bởi lượng xe máy và hàng hóa lấn ra án ngữ. Phố Hàng Giấy, con phố chạy qua phía trước chợ Đồng Xuân hầu như không có đoạn vỉa hè nào còn trống. Nằm đối diện với UBND phường Đồng Xuân, bãi gửi xe máy để dày đặc lấn chiếm toàn bộ vỉa hè và tràn xuống cả lòng đường. Người đi bộ đều đi xuống lòng đường xen lẫn vào dòng ô tô xe máy đông nghẹt.

Đã ra tay, phải kiên quyết

Việc dẹp hàng rong đã được các phường, quận thuộc nội thành Hà Nội thực hiện từ lâu vì đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Anh Nguyễn Văn Dũng, quê xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, một người bán hàng rong cho biết: “Tôi đã bán hàng rong ở Hà Nội từ vài năm nay. Về lâu dài cũng có thể chuyển nghề được nhưng trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán chưa biết làm gì để sống”. Hỏi chuyện một phụ nữ bán hoa quả trên phố Quán Thánh, chị kể: Đã có lần mải bán hàng cho khách, xe công an đến không kịp chạy, em bị thu hết hàng. Kinh nghiệm của người bán hàng rong là cứ bán ở khu vực giáp ranh giữa hai phường. Phường này đuổi mạnh thì chạy sang phường kia.

9 giờ sáng 7-1, Công an phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm thực hiện một đợt ra quân khá mạnh để dẹp bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè của các quán lẩu trên phố Phùng Hưng. Tuy nhiên, Công an vừa đi khỏi thì mọi chuyện lại đâu vào đấy. Thiếu tá Nguyễn Văn Bạo, Phó trưởng Công an phường Cửa Đông tâm sự: Rất khó dẹp bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè bởi nó đã ăn sâu vào tâm lý người dân có nhà mặt phố. Đường Phùng Hưng nằm trên địa bàn 3 phường quản lý, trong đó có phường Cửa Đông. Vì thế dù có mạnh tay thì phường Cửa Đông cũng chỉ dẹp được đoạn thuộc địa bàn mình. Thiếu tá Nguyễn Văn Bạo cho rằng trong quản lý vấn đề này nếu không tạo được sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành...thì chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa.”

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, đường Phùng Hưng có bãi đỗ xe ô tô rất dài trên vỉa hè nhưng lại thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp khai thác điểm đỗ xe do Sở Giao thông Công chính Hà Nội. Bãi đỗ xe này từ lâu đã trở thành nơi xả rác và phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Mặc dù Sở Giao thông Công chính chỉ cho phép sử dụng 4 mét vỉa hè làm nơi đỗ ô tô còn để lại một mét dành cho người đi bộ nhưng đơn vị khai thác đã sử dụng tất cả 5 mét khiến người đi bộ không còn chỗ lách chân. Làm việc với phóng viên báo Quân đội nhân dân, ông Đinh Sỹ Trung, Phó chủ tịch UBND phường Cửa Đông cho biết: “Quan điểm của phường là không cấp phép cho các đơn vị và hộ kinh doanh khai thác vỉa hè. Tuy nhiên, ông Trung cũng thể hiện quan điểm: Để lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường thì ngoài chức năng nhiệm vụ của phường, các cơ quan, ban ngành như Sở Giao thông Công chính, Thanh tra Giao thông, Công an... cũng phải mạnh tay thì mới được.

Không phải địa bàn nào chính quyền cũng thực hiện nghiêm vấn đề này như phường Cửa Đông.

Việc lập lại trật tự đường phố, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè đã được đặt ra từ lâu và đã nhiều lần cơ quan chức năng ra quân. Nhưng rồi chính cách làm không kiên quyết, thậm chí có nơi chính quyền còn đứng ra “tiếp tay” cho thuê, hay cấp phép sử dụng vỉa hè đã khiến cho tình trạng này không giảm mà có chiều hướng gia tăng phức tạp. Quản lý chặt hàng rong để lập lại trật tự đô thị là cần thiết, nhưng đi cùng phải quản lý thật tốt vỉa hè. Nếu quản lý chặt hàng rong mà buông lỏng vỉa hè thì khó lòng mà giữ được đường thông, hè thoáng.

Bài và ảnh: Nguyễn Tuấn