QĐND Online – Bộ phim “Thần tượng” của đạo diễn Nguyễn Quang Huy; đơn vị sản xuất: Công ty CP Truyền thông Thế giới giải trí-Wepro đoạt giải “Cánh diều vàng 2013” ở Hạng mục phim truyện điện ảnh, do Hội Điện ảnh tổ chức vào 15-3, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội. Cánh diều Bạc thuộc về hai bộ phim: “Tèo em” của đạo diễn Charlie Nguyễn; “Âm mưu giầy gót nhọn” của đạo diễn Hàm Trần.

 

Diễn viên Thái Hòa trong phim “Tèo em” đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyện điện ảnh. 
 

Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về Khathy Uyên trong phim “Âm mưu giầy gót nhọn”. 
 

Mở đầu Lễ trao giải Cánh diều 2013, khán giả được xem lại những hình ảnh của bộ phim đen trắng kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đi sâu vào lòng khán giả “Làng vũ đại ngày ấy”.

 

Đoàn làm phim “Thần tượng” đoạt giải Cánh diều Vàng

Hội điện ảnh dành thời gian tưởng niệm cố đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa, đạo diễn tác phẩm điện ảnh “Làng vũ đại ngày ấy” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Là cây đại thụ của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, trong sáng tác của ông, người xem thấy rõ hai mảng đề tài là phim hài, phim truyện hề. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho thể loại phim hài của Việt Nam. Phim của ông không ồn ào, không có đại cảnh lớn, không có những cảnh chiến tranh, tiếng bom rơi, đạn nổ; phim của ông dung dị, đời thường nhưng hóm hỉnh và đầy chất nhân văn. Ông đã đi xa nhưng tác phẩm của ông còn đọng lại trong lòng những người làm phim và khán giả.

 

NSND Bùi Cường, người đóng vai Chí Phèo trong tác phẩm này chia sẻ: "Đạo diễn Phạm Văn Khoa là người từng trải, hiểu rộng, biết nhiều, tính tình hòa đồng với các nghệ sĩ. Nhờ có ông, những hình ảnh, nhân vật của chúng tôi đã được khẳng định, đến nay khán giả vẫn yêu mến những bộ phim do ông làm. Tôi còn nhớ kỷ niệm với đạo diễn này, đó là khi ông đang bị bệnh nặng, tôi đến thăm ông, nhìn thấy ông trên giường bệnh, tôi đau lòng quá, ông nhìn tôi thật hiền và nói: Đó là quy luật của đất trời và ông trao cho tôi một quyển sách, tôi đỡ lấy đôi bàn tây gầy guộc, ấm áp của ông. Một nghệ sĩ sắp gần đất xa trời vẫn nghĩ đến lớp kế cận thật đáng quý. Ngày tôn vinh ông trùng với ngày sinh nhật ông thật ý nghĩa, là dịp để những người làm điện ảnh và khán giả tưởng nhớ đến cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam".

 

NSND Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh nhấn mạnh: Nhìn lại một năm về sức sáng tạo của những người làm công tác điện ảnh và phim truyền hình qua giải Cánh diều lần này. Tuy số lượng phim chưa thật nhiều nhưng là bức tranh toàn cảnh để chúng ta nhìn lại một chặng đường, nhằm định hướng cho sự phát triển; rút kinh nghiệm nghề nghiệp để phấn đấu có những tác phẩm hay hơn, sâu sắc hơn. Điều đáng mừng là trong điều kiện khó khăn chung về kinh tế, các hãng sản xuất phim, các đài truyền hình, các hãng phim tư nhân đã huy động được nhiều nguồn vốn, cố gắng nâng cao số lượng phim, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nghệ thuật. Song nếu chúng ta đề cao trách nhiệm và sự tâm huyết của người nghệ sĩ; tìm hiểu nhiều cách để có nguồn vốn đầu tư, đầu tư đúng mức cho cả nghệ thuật và kỹ thuật, đồng thời có định hướng đúng đắn cho tác phẩm thì sẽ có nhiều tác phẩm xuất sắc hơn.

  

Diễn viên Thái Hòa trong phim “Tèo em” đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim truyện điện ảnh. 

Tham dự giải Cánh diều 2013, Điện ảnh Quân đội có 5 bộ phim: "Việt Nam – Campuchia không bao giờ quên”, “Họ đã sống như thế”, “Bản tình ca màu xanh”, “Tác chiến-hậu cần vùng sông nước”, “Vị tướng của Trường Sa”.

 

Thiếu tá Bùi Duy Đông- Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội cho biết: 5 bộ phim tham dự năm nay đều là những tác phẩm được dàn dựng công phu. Mặc dù điện ảnh quân đội bị hạn chế bởi bó hẹp trong đề tài lực lượng vũ trang nhưng đây cũng là lợi thế mà những đơn vị sản xuất phim khác không có. Khi thực hiện những bộ phim này, đoàn làm phim phải đi đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để có những cảnh quay đẹp, phản ánh chân thực cuộc sống của người dân và các chiến sĩ đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ Tổ quốc. Là những nghệ sĩ mặc áo lính, các đạo diễn, diễn viên của Điện ảnh Quân đội luôn cố gắng hoàn thành tác phẩm của mình. Sau khi tham dự giải Cánh diều, các bộ phim sẽ được chiếu tại các đơn vị trong quân đội.
 

Công chúng đang kỳ vọng về một nền điện ảnh có những tác phẩm lớn ngày càng xứng đáng với lịch sử và phát triển, đổi mới của đất nước; những tác phẩm đề cao giá trị nhân văn, đáp ứng nhu cầu văn hóa, giải trí của công chúng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để làm được điều này, trước hết phải có sự hoạch định chính sách, sức sáng tạo của nghệ sĩ, đổi mới về công nghệ và tài thao lược của các nhà quản lý, biết huy động nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân và hội nhập quốc tế.

  

Lễ trao giải Cánh diều 2013 khép lại nhưng mở ra cánh cửa để những người làm điện ảnh nước nhà tìm hướng đi mới để có nhiều bộ phim xuất sắc đưa con thuyền điện ảnh của Việt Nam bay cao và bay xa hơn nữa.

 

Diễn viên Hương Thảo vai Ngọc Lan phim "Thuyền giấy" nhận giải nữ diễn viên xuất sắc phim truyện truyền hình

Một số giải thưởng Cánh diều Vàng 2013:

Cánh diều Vàng phim hoạt hình: “Đàn sếu có trở về”, đạo diễn Đào Minh Uyển.
 

Cánh diều Vàng phim khoa học: “Chuyện của đá”, đạo diễn Nguyễn Tài Văn.
 

Phim tài liệu điện ảnh không có giải Cánh diều Vàng; Cánh diều Bạc thuộc về phim “Chuyện về bến nước, núi rừng và nương rẫy”.
 

Phim tài liệu truyền hình: Không có giải Cánh diều Vàng; Cánh diều Bạc thuộc về phim “Những tâm hồn Việt trên đất Nhật”, đạo diễn Nguyễn Quốc Khánh.
 

Phim ngắn: Không có cánh diều Vàng; cánh diều Bạc thuộc về bộ phim “Con đi trường học”
 

Cánh diều Vàng phim truyện truyền hình: Phim “Thuyền giấy”, đạo diễn Nhâm Minh Hiền.
 

Phim tài liệu truyền hình không có giải Cánh diều Vàng; giải Cánh diều Bạc: Phim “Những tâm hồn Việt trên đất Nhật”, đạo diễn Nguyễn Quốc Khánh.
 

Giải Cánh diều năm nay có thêm giải đặc biệt của Hội Điện ảnh dành cho phim truyện điện ảnh phản ánh xuất sắc đề tài chiến tranh cách mạng dành cho bộ phim “Những người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.


Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN - VIỆT CƯỜNG