Nhận tin nhà văn Hà Bình Nhưỡng qua đời, tôi bàng hoàng như không tin vào tai mình. Đận ấy, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng B52 (12-1972), tôi được tòa soạn phân công tìm các nhân chứng để đặt viết mục: "Tháng Chạp năm 1972 các anh đang ở đâu?”. Tôi tìm đến nhà nhà văn Hà Bình Nhưỡng, hồi hộp bấm chuông, không biết nhà văn sẽ tiếp mình như thế nào. Tôi được mời vào phòng khách và chờ một lúc lâu, thì nhà văn Hà Bình Nhưỡng xuất hiện với dáng vẻ tất bật:

- Cháu thông cảm, chú đang bận biên tập cuốn: "Nhớ về trận Điện Biên Phủ trên không” của các tướng lĩnh Quân chủng hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, những người đã từng chiến đấu và trực tiếp góp phần đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội Hải phòng tháng chạp năm 1972.

Chia tay ông về cõi vĩnh hằng, tôi nhớ lời tâm sự trong cuốn sách cuối cùng của ông-Cánh chim Phù Đổng-vừa được NXB QĐND phát hành: "Tôi muốn gửi gắm lòng mình bằng sự tái hiện sinh động, chân thực gần như tất cả các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của Không quân nhân dân Việt Nam. Qua tác phẩm, tôi mong muốn được cùng bạn đọc, cùng các thế hệ chiến sĩ Phòng không-Không quân “chắp cánh” bay lên trong niềm vinh quang và tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng”.

Rồi như chìm vào cảm xúc, ông kể lại những ngày đầu được về làm báo Phòng không-Không quân như thế nào. Vào tháng 6 năm 1965, Hà Bình Nhưỡng đang là trợ lý tuyên truyền đoàn không quân C21 thì được điều về cục Chính trị Quân chủng làm báo. Để thực hiện số báo đầu tiên của quân chủng vào tháng 7-1965 với chủ đề: "Số đặc biệt về bắn trúng ngay loạt đạn đầu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay”. Các phóng viên đã tỏa đi khắp các trận địa, thâm nhập viết bài. Hà Bình Nhưỡng được phân công vào Thanh Hóa đến trận địa cao xạ Hàm Rồng. Chứng kiến cuộc chiến đấu quyết liệt của bộ đội cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, ông đã viết bài: "Con ma Mỹ phải đền tội ngay tại chỗ trước mũi súng của tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Nhưỡng”. Từ bài viết đầu tiên ấy, ông đã lăn lộn cùng các chiến sĩ Phòng không-Không quân để có những bài viết mang hơi thở của cuộc sống. Năm 1970, ông chuyển sang phòng ký sự lịch sử quân chủng, nhưng vào dịp tháng Chạp 1972, ông được điều về làm “phóng viên đặc nhiệm” xuống các trận địa, sân bay. Đợt ấy, ông có rất nhiều bài viết, không chỉ đăng trên báo PK-KQ mà còn đăng trên báo khác, như bài: "Rồng lửa ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội” in trên báo Nhân dân, “Những giây phút thần kỳ trên cao” in trên báo Quân đội nhân dân… Lần gặp đầu tiên với nhà văn Hà Bình Nhưỡng đã để lại trong tôi một tình cảm kính trọng. Tôi thường xuyên gặp ông để ông góp ý cho những bài viết, đồng thời học hỏi kinh nghiệm cuộc sống. Điều làm tôi khâm phục là tinh thần làm việc của ông, sự miệt mài trên các trang viết và tấm lòng của ông với bộ đội Phòng không-Không quân. Ở tuổi trên 70, mà ông viết hết quyển này sang quyển khác, như sợ không còn thời gian. Chưa đầy một năm, đại tá nhà văn Hà Bình Nhưỡng, cựu phóng viên báo Phòng không-Không quân, và nguyên trưởng phòng biên tập ký sự lịch sử PK-KQ đã được xuất bản và tái bản 4 tập sách: “Sống để yêu nhau”- NXB Hội Nhà Văn, “Vỏ bọc nhiệm mầu”- NXB Công an nhân dân, “Bóng người trên cánh bạc”-NXB Công an nhân dân và “Cánh chim Phù Đổng”-NXB Quân đội nhân dân. Với lối viết chân thật, giản dị nhà văn Hà Bình Nhưỡng đã khắc hoạ được những con người đã làm nên những điều diệu kỳ trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Có được thành công trên trang viết, ông thường nhắc đến sự động viên của vợ và con. Vợ ông-bà Trần Thị Hoa một nữ du kích và bí thư chi đoàn thời chống Pháp, suốt hơn 50 năm qua đã chung thủy đảm đang và là “một điểm tựa” tin cậy, vững chắc cho ông trong suốt cuộc đời binh nghiệp và sáng tác. Không những thế, bà đã có công lao để ông bà hôm nay có một đàn con, cháu nội, ngoại 20 người, trong đó có 7 con trai, con gái, dâu, rể là đảng viên.

Chia tay ông về cõi vĩnh hằng, tôi nhớ lời tâm sự trong cuốn sách cuối cùng của ông-Cánh chim Phù Đổng-vừa được NXB QĐND phát hành: "Tôi muốn gửi gắm lòng mình bằng sự tái hiện sinh động, chân thực gần như tất cả các sự kiện, nhân vật tiêu biểu của Không quân nhân dân Việt Nam. Qua tác phẩm, tôi mong muốn được cùng bạn đọc, cùng các thế hệ chiến sĩ Phòng không-Không quân “chắp cánh” bay lên trong niềm vinh quang và tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng”. Tôi cảm giác như ông sẽ còn mãi, phiêu diêu cùng trang viết trên bầu trời xanh thắm.

ĐOÀN HOÀI TRUNG