Chính thức được thành lập theo Sắc lệnh số 47 ngày 7-4-1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đội ngũ phiên dịch của Bộ Ngoại giao-những nhà ngoại giao làm phiên dịch ngoại giao - đang hướng tới 75 năm truyền thống với những năm tháng cống hiến, đóng góp đầy tâm huyết cho mặt trận đối ngoại.
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Biên-phiên dịch Quốc gia, ông Phạm Bình Đàm cho biết, Phòng Phiên dịch là một trong những đơn vị ra đời sớm nhất Bộ, nhưng do yêu cầu của công việc từng thời kỳ, Phòng tồn tại dưới nhiều tên khác nhau và có giai đoạn không chính thức tồn tại, dù vẫn có những người tiếp tục đảm nhiệm công việc biên phiên dịch. “Có lẽ vì vậy mà dòng chảy truyền thống hơn 7 thập kỷ, gồm cả giai đoạn chảy ngầm chưa được ghi chép, ghi nhận đầy đủ. Do vậy, tọa đàm mang ý nghĩa một cuộc đoàn viên của những người cùng mang trong mình huyết thống phiên dịch sau những năm dài thất tán, gặp lại người cũ, gặp gỡ người mới, ôn chuyện xưa, kể chuyện nay, vừa nhằm tìm lại những trang còn thiếu, tô lại những trang đã mờ của lịch sử 75 năm phiên dịch ngoại giao, để biên soạn được cuốn Kỷ yếu trọn vẹn của đơn vị, gồm đầy đủ các thứ tiếng với những con người đã gắn bó với nghề phiên dịch qua mỗi thời kỳ”, ông Phạm Bình Đàm nhấn mạnh.
Đại diện cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, cuộc tọa đàm không chỉ để chia sẻ trải nghiệm/kinh nghiệm về nghề mà còn là sự tri ân đối với những cán bộ phiên dịch qua các thế hệ, những con người đặc biệt đã có những đóng góp thầm lặng, nhưng rất quan trọng trong các cuộc tiếp xúc, các cuộc đàm phán, kể cả các cuộc chiêu đãi của những giai đoạn, những hành trình hết sức gian lao, nhưng cũng rất đáng tự hào và có ý nghĩa.
 |
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại tọa đàm. |
Chia sẻ về những kỷ niệm với ngành ngoại giao, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan kể lại, khi ông được giao viết tư liệu về lịch sử ngành ngoại giao, ông nhận thấy "vùng trũng" nhất là những tư liệu về phiên dịch vì đây chỉ là một đơn vị nhỏ, bị phân tán khá nhiều về thông tin. "Mảng tư liệu về nghề phiên dịch rất thiếu", ông Vũ Khoan nhớ lại. Cũng theo ông Vũ Khoan, nghề phiên dịch là một nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp, nếu chưa được đào tạo phải tự đào tạo. "Mỗi lần được đi dịch cho những nguyên lãnh đạo của ta như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh... đều là một cơ hội học tập quý báu", ông Vũ Khoan khẳng định.
Kể về cơ duyên đến với nghề phiên dịch, Đại sứ Nguyễn Đình Bin chia sẻ, ông đến với nghề khá tình cờ khi ông đang là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành văn học nghệ thuật tại Havana (Cuba). Ông đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba chọn làm phiên dịch viên cho các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Cuba và lãnh đạo Việt Nam. Trong đó, được phiên dịch cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro là kỷ niệm ông Bin nhớ mãi không quên.
 |
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tư liệu về 75 năm nghề phiên dịch ngoại giao. |
Với gần 40 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao và với 6 năm gắn bó liên tục với nghề phiên dịch (1970-1976), Đại sứ Nguyễn Thị Hồi chia sẻ, một trong những lần dịch mà bà nhớ nhất là lần dịch cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đại diện Palestine ngay sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, 6 năm làm nghề phiên dịch phần nhiều có tính “du kích” hơn hiện nay nhưng đó là khoảng thời gian bà được cùng trải qua những chặng đường quan trọng của đất nước.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại sứ cũng có dịp chia sẻ chuyện nghề trong những lần phiên dịch cho các lãnh đạo. Với họ, nghề phiên dịch là một nghề đặc biệt và cao quý. Với họ, không phải giỏi ngoại ngữ thì có thể làm phiên dịch giỏi. Phiên dịch là nghề khó, vì vậy cần sự tâm huyết, nắm vững vấn đề và năng khiếu.
Tin, ảnh: PHƯƠNG LINH