Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công tác nước ngoài lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là Thụy Điển-nước đã và luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ quý báu, kịp thời và hiệu quả. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ tháng 1-1969, cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam sớm nhất vào tháng 8-1966.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển luôn có những bước phát triển tốt đẹp, thể hiện qua các cuộc viếng thăm lẫn nhau của các đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước, trong đó có các đoàn lãnh đạo cấp cao của Quốc hội. Thụy Điển cũng là một trong những nước Tây Âu có viện trợ ODA không hoàn lại nhiều nhất cho Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1970 đến 2013, Thụy Điển đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD, tập trung ở các lĩnh vực: Y tế, cải cách kinh tế, hành chính, luật pháp, môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý đất đai, phát triển nguồn nhân lực, chống tham nhũng và xây dựng nhà nước pháp quyền. Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước liên tục tăng trưởng. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 1,178 tỷ USD, năm 2016 đạt 1,205 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 624 triệu USD.

Điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công tác nước ngoài lần này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là Hung-ga-ri. Đây là một trong số những quốc gia bạn bè truyền thống lâu đời của Việt Nam ở châu Âu. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 2-1950. Cả trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc xây dựng đất nước, đẩy mạnh hội nhập hiện nay, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, chí tình của Nhà nước và nhân dân Hung-ga-ri.

Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hung-ga-ri được đánh giá là phát triển năng động. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 175 triệu USD, năm 2015 là 195 triệu USD và năm 2016 đạt khoảng 200 triệu USD. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như văn hóa, du lịch, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học, môi trường luôn được duy trì và phát triển.

Cộng hòa Séc-điểm dừng chân thứ ba trong chuyến công du của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân-cũng là một trong số bạn bè truyền thống của Việt Nam ở Đông Âu. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước được thiết lập từ tháng 2-1950 và tiếp tục được duy trì, phát triển từ đó đến nay. Trong những năm qua, việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước diễn ra khá thường xuyên, thể hiện rõ sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước dành cho nhau. Quan hệ giữa Quốc hội hai nước liên tục phát triển với sự giao lưu chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát và các lĩnh vực chuyên môn từ cấp ủy ban tới lãnh đạo cấp cao của Quốc hội.

Cộng hòa Séc là nước Đông Âu đầu tiên cung cấp viện trợ ODA cho Việt Nam. Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc thể hiện qua sự tăng trưởng trong kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước. Năm 2013, kim ngạch hai chiều đạt 238 triệu USD, đến năm 2016, con số này được nâng lên thành 249 triệu USD.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam được thực hiện nhằm tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với 3 nước bạn bè truyền thống này; thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với phía bạn trên các lĩnh vực cụ thể như kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, văn hóa, giáo dục; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp của các nước bạn; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đại biểu Quốc hội Việt Nam với cộng đồng người Việt Nam ở 3 nước; kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài và đặc biệt là thúc đẩy Quốc hội 3 nước ủng hộ việc ký chính thức, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU nói chung và 3 nước nói riêng phát triển, xứng đáng với tiềm năng và đáp ứng tốt nhất lợi ích của mỗi nước.

THÙY LÂM