Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết ban hành dự án Luật này để đồng bộ với Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, nhằm tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, việc ban hành dự thảo luật sẽ  bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, các quy hoạch này đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc dùng một luật để sửa đổi, bổ sung 37 luật hiện hành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt trong việc rà soát, đối chiếu để vừa phải bảo đảm tính thống nhất trong mỗi đạo luật, tính thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật vừa bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại các luật có liên quan đến quy hoạch cần lấy quy định của Luật Quy hoạch làm gốc, các luật khác có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với Luật Quy hoạch; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm không để sót các quy định liên quan cần sửa đổi, bổ sung, cũng như không mở rộng ra ngoài phạm vi quy định. Đối với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh cần quy định cụ thể về phạm vi, nội dung, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, trong đó cần bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch, Hội đồng thẩm định quy hoạch và cơ quan phê duyệt quy hoạch.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (TP Hải Phòng) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (TP Hải Phòng) cho rằng việc rà soát, điều chỉnh cần cố gắng lược bỏ những quy hoạch không cần thiết hoặc sắp xếp lại cho bớt đầu mối quy hoạch, chứ không chỉ là chuyển đổi những điểm liên quan đến quy hoạch ở các luật khác, dẫn đến việc có quá nhiều quy hoạch, quy hoạch “chồng” quy hoạch chưa được khắc phục triệt để. Do đó, theo đại biểu, cần giao cho các ngành liên quan rà soát, tạo sự thống nhất trong hoạt động quy hoạch quốc gia, ngành, địa phương, bảo đảm tính khoa học, tinh gọn, gắn kết của hoạt động quy hoạch.

Cũng có ý kiến cho rằng, những quy định trong luật đã lược bỏ mất nhiều yếu tố liên quan đến an ninh, quốc phòng trong quá trình lập quy hoạch, đặc biệt là điều 6 quy hoạch về giao thông đường bộ và nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất. Nhấn mạnh phát triển kinh tế-xã hội phải song song với bảo đảm an ninh quốc phòng, đại biểu Lê Ngọc Hải (đoàn Quảng Nam) đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm quốc phòng an ninh vào điều 6 dự thảo luật khi quy hoạch giao thông đường bộ và trong lập quy hoạch sử dụng đất.

Tán thành với sự cần thiết ban hành dự luật, song đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) băn khoăn cho rằng, cần hết sức thận trọng khi sửa đổi Luật Đất đai-một trong những luật liên quan tới nhiều nội dung trong Luật Quy hoạch. Đất đai cũng là vấn đề nổi cộm, chiếm đa số trong các vụ khiếu kiện kéo dài của người dân. Đại biểu cho rằng, hiện nay quy hoạch cấp tỉnh áp dụng Luật Đất đai nên sẽ khó phù hợp với Luật Quy hoạch mới, sẽ có hiệu lực đầu năm 2019 tới.

THẢO HƯNG