Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu phát biểu chia sẻ những vấn đề bức xúc của người dân thành phố liên quan đến an sinh xã hội, quy hoạch đầu tư, an toàn giao thông, giải quyết kẹt xe, ngập nước… Trong đó, đa số đại biểu chia sẻ lo lắng, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của thành phố.
Quang cảnh phiên thảo luận.
Các đại biểu HĐND Thành phố cho rằng, ATVSTP không phải là vấn đề mới nhưng luôn thu hút nhiều sự quan tâm, thậm chí lo lắng, hoang mang trong dư luận. Hiện nay, bất kỳ giai đoạn nào, từ sản xuất, chế biến đến vận chuyển, thì chất cấm, chất phụ gia độc hại đều có cơ hội xâm nhập vào thực phẩm. TP Hồ Chí Minh là điểm đến của khối lượng lớn thực phẩm từ các địa phương lân cận, trong đó, khối lượng thực phẩm “bẩn” không phải con số nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán hàng rong, không gõ nguồn gốc vẫn tràn lan trên đường phố, các cơ sở kinh doanh thức ăn nhỏ lẻ chưa có chứng nhận ATVSTP còn nhiều.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thành phố xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 500 nạn nhân trong 6 tháng đầu năm 2016 là con số đáng báo động. Tuy nhiều đơn vị tham gia công tác thanh kiểm tra ATVSTP nhưng công tác quản lý lại lỏng lẻo. Người tiêu dùng không phân biệt được thực phẩm an toàn, không an toàn. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn chưa phát huy hết, các mô hình, chương trình về ATVSTP đạt hiệu quả chưa cao”.
Các đại biểu kiến nghị, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, phân định trách nhiệm rõ ràng, kiểm soát từ gốc đến ngọn để đảm bảo người dân được ăn ngon, uống ngon. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm tra nhanh loại hình kinh doanh, sử dụng thực phẩm nhỏ, lẻ dựa trên tiêu chí ưu tiên kiểm soát, phát hiện các loại dịch bệnh. Những cơ quan như: Kiểm dịch thú y, Sở Y tế, quản lý thị trường… cần thường xuyên phối hợp giám sát đột xuất, thường xuyên.
Tại phiên thảo luận, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết: Khoảng 70-80% thực phẩm cung cấp cho thành phố là từ các nguồn ở địa phương lân cận. Thành phố đã có ký kết với 22 tỉnh, thành phố về xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2016, đã cấp 21 giấy chứng nhận tham gia chuỗi, lũy kế đến nay đã cấp cho 97 trang trại, cơ sở sản xuất chế biến của thành phố và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ với hơn 35.300 tấn thực phẩm, 202 triệu quả trứng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm 2016 có 11,2% cơ sở được kiểm tra vi phạm ATVSTP. Hiện nay, thành phố thí điểm hoạt động thanh tra chuyên ngành về ATVSTP ở 5 quận, huyện và 10 phường xã, từ ngày 1-12-2015 đến nay đã có 15 đoàn thanh tra với hơn 600 điểm (có 211 cơ sở vi phạm). Tuy nhiên, các giải pháp trên chưa đáp ứng yêu cầu của người dân về ATVSTP.
Tin, ảnh: HÙNG KHOA