QĐND - Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh Sóc Trăng đã đốn hạ nhiều loại cây ăn trái một thời “vang bóng” như nhãn Da Bò, bưởi Năm Roi, mận An Phước… để trồng giống cây khá mới mẻ: Ổi lê Đài Loan (Trung Quốc).

Anh Trương Minh Hiếu, ở xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cho biết, nhà anh trồng 2 công (2000m2) ổi giống Đài Loan (ĐL), mỗi tháng bán 1 tấn trái, thương lái vô tận vườn thu mua 9000 đồng/kg… Nhà anh khởi đầu trồng giống ổi này từ hơn chục nhánh giống xin được của một người quen ở tỉnh Bình Dương, với dụng ý là trồng cho con nít ăn chơi, chứ không tính tới chuyện bán chác gì cả. Một lần ghé siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh thấy bán ổi giống ĐL giá cao thì chợt nhớ đến đám ổi bỏ lăn lóc bên nhà mình. Về nhà, anh âm thầm nhân giống, vỡ đất, tìm hiểu kỹ thuật, chiết cành mở rộng diện tích trồng ổi. Đến nay, vườn ổi của anh đã có 1.200 gốc. Không chỉ bán trái, anh Hiếu còn chiết cành bán cây giống cho bà con trong vùng, 5000 đồng/cây, mỗi năm anh Hiếu bán ra khoảng 20.000 cây.

Theo anh Hiếu, giống ổi ĐL cũng như các loại ổi khác, đều dễ trồng, dễ chăm sóc, phát triển tốt trên nhiều loại đất. Đặc biệt, cây ổi không cần nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ổi ĐL trồng 6 tháng đã bắt đầu thu hoạch trái. Cây trổ hoa đậu trái quanh năm. Lúc đó mới đòi hỏi đầu tư cho các khâu tỉa cành, bao trái (bằng bọc xốp và bọc ni lông). Trái ổi cỡ đầu ngón tay đã phải bọc, tránh côn trùng xâm hại. Ổi ĐL mỗi trái có thể đạt trọng lượng 300g - 1,2kg, hơn hẳn các giống ổi xá lị, ổi bôm, ổi Thái… cả về chất lượng, ngoại hình lẫn giá bán trên thị trường.

Anh Bình Lộc và vườn ổi giống Đài Loan của mình. 

Ông Năm Tuấn, một cựu chiến binh có vườn ổi giáp ranh với vườn anh Hiếu, nói: Tui đã trồng đủ loại cây, như sa bô chê, xoài, nhãn, mận… nhưng chưa thấy cây nào ngon ăn như ổi ĐL. Chỉ cần số vốn ban đầu nho nhỏ và vài công đất để đầu tư trồng ổi sau vài năm là có thể thoát nghèo...

Anh Bình Lộc, cựu chiến binh xã Nhơn Mỹ chọn giống ổi ĐL làm cây trồng chủ lực trên mảnh đất 4 công của mình, cho biết: Giống ổi này không thể cho năng suất cao nếu trồng dưới của các loại cây khác, vì thế tôi đã dọn sạch nhãn Da Bò và nhiều gốc xoài hơn 10 năm tuổi để ưu tiên cho ổi. Cả gia đình 4 người ngày nào cũng quần quật với ổi, được cái… vui là lúc nào cũng có ổi bán, có tiền ...

Anh Lê Văn Điền (xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung) tỏ ra thận trọng hơn khi quyết định dọn vườn. Với 3 công đất vườn, anh Điền giữ lại một nửa cho cây mận An Phước hơn 4 năm tuổi, một nửa đốn hạ, thay vào ổi ĐL, nhằm dự phòng, lỡ mai kia mận lại được giá, gia đình còn có nguồn trang trải. Nông dân chúng tôi coi vậy chứ đâu được nhiều đất, mỗi hộ chỉ có trung bình từ 2 đến 5 công đất, nên trồng loại cây gì cũng phải tính toán dữ lắm. Ổi ĐL, giờ đang ở thế thượng phong, nhưng chưa ai biết lúc nào sẽ… hết thời như cây mận An Phước. Tôi đã thấm thía cái cảnh trồng cây chạy theo phong trào rồi, hồi trước trồng mận Da Lươn, đến lúc “rộ lên”, trúng mùa thì mất giá hoặc bán chẳng ai mua, vừa đốn cây vừa tức nghẹn họng..

Mùa mưa này, đi về các huyện vốn có truyền thống trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng như Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú… đến đâu chúng tôi cũng nghe người nông dân râm ran bàn tính chuyện trồng ổi ĐL. Rõ ràng cây ổi ĐL đang ở thời “hoàng kim” và rất có khả năng người dân lại chạy theo phong trào trồng cây một cách tự phát mà chưa biết tương lai sẽ ra sao.

Theo các thương lái, ổi ĐL đang hút hàng vì dễ tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trước mắt, đầu ra của sản phẩm đã có, nhưng để mở rộng thị trường và giúp người nông dân sản xuất bền vững, ngành chức năng địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, thiết lập và phát huy tốt mối liên kết giữa bốn nhà: Nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và Nhà nước.

 Bài và ảnh:  Hồng Bình Hiếu