QĐND - Cách đây 70 năm, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi khai sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam, hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ngoài ra khi có biến thì tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ.

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, tình hình trong nước và quốc tế có những biến chuyển quan trọng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc. Ngày 8-2-1941, Người đến Pác Bó (Hà Quảng) chỉ đạo xây dựng căn cứ địa, tổ chức các đoàn thể cứu quốc và nghiên cứu, lựa chọn địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Quang cảnh ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng Trần Hưng Đạo. ảnh tư liệu

Tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược giải phóng dân tộc. Hội nghị khẳng định: “Cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”(1). Hình thái của cuộc khởi nghĩa vũ trang từ khởi nghĩa từng phần, khởi nghĩa địa phương đi tới Tổng khởi nghĩa. Hội nghị chỉ rõ: Để có “một lực lượng vũ trang toàn quốc”, cần “phải có những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”(2).

Sau hội nghị, lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Cao Bằng, trong đó tập trung ở ba châu (Hà Quảng, Nguyên Bình, Hòa An), phát triển thành những “châu hoàn toàn Việt Minh”. Đến năm 1942, phong trào Việt Minh ở Cao Bằng phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều tổng, xã “hoàn toàn Việt Minh” hình thành căn cứ địa rộng lớn được nối liên hoàn như “Pác Bó (Hà Quảng), Lam Sơn (Hòa An), Thiện Thuật, Quang Trung của đồng bào Dao, H’mông (Nguyên Bình); khu căn cứ địa “Nam tiến” khai thông xuống các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang”(3). Nhờ đó, phong trào cách mạng Cao Bằng có điều kiện liên lạc được với Trung ương Đảng ở miền xuôi và hòa nhập cùng với phong trào cả nước.

Cuối năm 1943, phong trào cách mạng tại Cao-Bắc-Lạng phát triển mạnh khiến thực dân Pháp hết sức lo ngại. Lúc này, thực dân Pháp và phát xít Nhật mâu thuẫn nhau về quyền lợi ngày càng tăng như một kho thuốc súng sắp nổ ở Cao-Bắc-Lạng. Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, thực dân Pháp liên tục tiến hành các đợt khủng bố khốc liệt ở hầu hết các châu của Cao Bằng. Bên cạnh đó, chúng còn huy động lực lượng mật thám, cảnh sát từ Hà Nội lên để đàn áp, đồng thời tiến hành mua chuộc đồng bào, tạo mâu thuẫn giữa đồng bào các dân tộc. Ngoài ra, địch còn tăng cường hệ thống đồn bốt trên những tuyến đường chúng nghi là đầu mối liên lạc của ta. Tại Nguyên Bình, địch xây thêm đồn Phai Khắt, Nà Ngần, tiến hành khủng bố ở Kỳ Chỉ, Gia Bằng, Tam Kim, Hoa Thám, Hưng Đạo với âm mưu "tách cá khỏi nước" nhằm phá sự gắn kết giữa quần chúng với lực lượng vũ trang nhưng thất bại.

Trước tình thế đó, ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về sửa soạn vũ khí đưa phong trào cách mạng của Cao-Bắc-Lạng lên một bước mới. Tiếp đó, ngày 13-7, Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng triệu tập hội nghị tại Lũng Sa (một địa điểm giáp giới châu Hòa An và Nguyên Bình), khẳng định: “Các điều kiện đã chín muồi để phát động chiến tranh du kích trong Liên tỉnh”(4) .

Cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về xã Nà Sác (Hà Quảng-Cao Bằng). Sau khi các đồng chí: Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình cách mạng trong nước, đặc biệt về quyết định khởi nghĩa vũ trang của Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng, Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”(5). Trước tình hình lực lượng vũ trang của cách mạng còn ít, lại hoạt động phân tán, Người quyết định lập Đội quân giải phóng để “tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng”(6).

Sau khi nghiên cứu các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng) tổ chức lễ thành lập đội. Khu rừng “thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng, nơi có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, cao nhất trong các dãy núi xung quanh, rất tiện cho việc bố trí vị trí quan sát”(7). Đó cũng là nơi thuận tiện cho những người hoạt động cách mạng, nhưng lại là điểm nghịch thiên, chỗ yếu của bọn thống trị ở mọi cấp. Phía bắc khu rừng có đường từ Kim Mã qua châu Trần Phú, khi có biến rút sang Trung Quốc. Phía đông có đường mòn sang châu Phùng Chí Kiên, dãy núi Kim Hỷ về Bắc Sơn (Lạng Sơn), Đình Cả (Thái Nguyên). Phía tây khu vực này trông sang ngọn núi phía bắc, Khao Sơn và phía nam tiến thẳng xuống núi Cứu Quốc. Ngoài ra, khu rừng nằm trên dải núi giáp giới ba tỉnh Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn; ở giữa hai Quốc lộ 3 và 4. Đây là điểm hết sức thuận lợi cho ta tiếp nhận những luồng ánh sáng ở những vùng đất nằm ngoài sự kiểm soát, khống chế của bọn thống trị và cũng là lối thoát ra ngoài an toàn khi chúng khủng bố.

Về nhân hòa, đó là sự thuận hòa của lòng người. Những năm 20 của thế kỷ XX, ở Nguyên Bình có phong trào đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế và chính trị của công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc. Trong quá trình Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã tiếp xúc với Hoàng Văn Nọn (dân tộc Tày-Cao Bằng) tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va, tháng 3-1935, qua đó Người có ấn tượng về con người và vùng đất Cao Bằng. Đồng thời, khi Người về nước lãnh đạo phong trào cách mạng thì trong 3 châu “hoàn toàn có Việt Minh” của Cao Bằng, Nguyên Bình là châu có phong trào cách mạng phát triển sớm và mạnh nhất.

Để lãnh đạo phong trào cách mạng kịp thời, ngày 15-11-1935, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Nguyên Bình được thành lập do đồng chí Dương Mạc Cam (Dương Mạc Thạch) làm Bí thư. Đầu năm 1941, sau khi Châu ủy Nguyên Bình thành lập đã cử cán bộ dự các lớp huấn luyện của Việt Minh tổ chức. Cuối năm 1942, ở Nguyên Bình đã xuất hiện nhiều xã, lũng “hoàn toàn Việt Minh”, Ban Việt Minh ở nhiều nơi đã được thành lập. Cùng thời gian này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến Gia Bằng mở lớp huấn luyện chính trị cho các đồng chí trong tỉnh ủy và châu ủy lâm thời. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở Nguyên Bình, lòng yêu nước của nhân dân ở đây, từng được thử thách qua các đợt khủng bố trắng của địch cuối năm 1943, cùng với vị trí địa lý hiểm trở, đã làm cho Nguyên Bình có đầy đủ các yếu tố để trở thành căn cứ địa.

Tại tổng Kim Mã, hai xã Tam Lọng và Kim Mã có phong trào mạnh (nay là xã Tam Kim được thành lập sau này, trên cơ sở sáp nhập hai xã Tam Lọng và Kim Mã). Tam Kim nằm ở phía nam huyện Nguyên Bình, những năm 40 của thế kỷ XX, dân số có khoảng 1000 nhân khẩu, chủ yếu là người Tày và người Dao. Ở đây, diện tích rừng chiếm hơn 90%, đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5%. Do đó, cũng như nhiều địa phương khác ở Cao Bằng, nhân dân Tam Lọng và Kim Mã có cuộc sống rất khó khăn. Dưới ách cai trị của thực dân và tay sai, nhân dân Tam Lọng và Kim Mã luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh quật khởi.

Cuối năm 1941, hội viên Hội Cứu quốc đến Tam Lọng và Kim Mã tuyên truyền vận động cách mạng. Ngày 30-1-1942, các đồng chí Tán Thuật (Nông Văn Lạc) và Đề Thám (Nông Văn Bưu) tham dự lớp huấn luyện cán bộ do đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức tại Gia Bằng (Minh Tâm). Sau lớp tập huấn, các đồng chí trở lại Tam Lọng, Kim Mã, vận động đồng bào vào Hội Cứu quốc. Đầu năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Thiết Hùng về Tam Lọng và Kim Mã mở liên tiếp ba lớp huấn luyện cán bộ tại Roỏng Bó, hang Thẩm Cầu và rừng Nà Dư.

Trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở Tam Lọng và Kim Mã, tháng 9-1942, chi bộ Tam Kim được thành lập (còn gọi là chi bộ Nam tiến) gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Dương Văn Long, do đồng chí Nông Văn Quang làm Bí thư. Chi bộ kịp thời định hướng cho việc phát triển phong trào, củng cố cơ sở cũ và nhanh chóng phát triển cơ sở mới ở vùng dân tộc Dao. Cuối năm 1942 và đầu năm 1943, ở Tam Kim đã gây dựng được thêm nhiều cơ sở Hội Cứu quốc ở nhiều bản vùng cao.

Tại Tam Lọng và Kim Mã, thời gian này cơ sở hội viên Hội Cứu quốc phát triển rộng khắp và lan nhanh sang các tổng Hoa Thám và Hưng Đạo. Hội Cứu quốc phát triển đến đâu, ở đó tổ chức các đội tự vệ chiến đấu trong thanh niên làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc họp và tiễu trừ Việt gian phản động. Trong những ngày chuẩn bị thành lập đội, trên các ngả đường về khu rừng Trần Hưng Đạo, các đội tự vệ của các xã: Tam Lọng, Kim Mã, Hoa Thám bí mật dẫn đường, bảo vệ cho các đội viên về nơi tập kết. Dưới sự chỉ đạo của các cán bộ địa phương như Nông Văn Lạc, Lý Đức Thương, các đoàn thể Cứu quốc đã đóng góp lương thực, rau, muối, giấy viết khẩu hiệu cho đội. Công việc chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương. Các đội viên và cán bộ lần lượt từ các châu kéo về. Ba, bốn trạm được tổ chức ở những nơi giáp giới Cao Bằng, Bắc Kạn để đón tiếp, đưa đường cho các đội viên.

Sau một thời gian chuẩn bị, 5 giờ chiều 22-12-1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt “đoàn thể” tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân “trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám”(8). Đội gồm 34 chiến sĩ, trang bị 34 khẩu súng các loại, biên chế thành 3 tiểu đội; Đội trưởng là Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ); Chính trị viên Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch). Tham dự buổi lễ có đại diện Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng cùng với đại biểu nhân dân các dân tộc “Tày, Mán, Nùng”(9) của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn.

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của LLVT nhân dân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-đội quân chủ lực, các đội vũ trang ở châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Với nhãn quan chính trị sâu sắc và nhạy bén của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn địa điểm hợp lý cho sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm tròn trọng trách mà lãnh tụ Hồ Chí Minh giao phó. Sau này, Cao Bằng-nơi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân-được lựa chọn cùng với các tỉnh Việt Bắc là Thủ đô kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy thế mạnh về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi.

TRƯƠNG MAI HƯƠNG – TRẦN QUỐC DŨNG

---------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 (1940-1945), Nxb CTQG, H.2000, tr.129.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr.130.

[3] 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb Văn hóa-Thông tin, tr.18.

[4] Bộ Quốc phòng-Viện LSQS Việt Nam, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Nxb QĐND, H.2004, tr.46.

[5], [6] Võ Nguyên Giáp-Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H.1994, tr.123, 124.
[7] Bộ Quốc phòng-Viện LSQS Việt Nam, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Sđd, tr.56.

[8], [9] Võ Nguyên Giáp-Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr.133.