QĐND Online – Sáng 19-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Lưu trữ. Khái niệm về phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam được nhiều đại biểu quan tâm và đóng góp ý kiến…
Lưu trữ là lĩnh vực cực kỳ quan trọng của mỗi quốc gia và dân tộc, nhằm giữ gìn, bảo tồn và khai thác các tài liệu quý và cả các tài liệu đặc biệt quý, cả vật thể và phi vật thể của quốc gia, dân tộc, của các cơ quan, tổ chức, của các dòng tộc, cá nhân, trên các tất cả các lĩnh vực về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, khoa học kỹ thuật... Ở một góc độ nào đó, nếu lĩnh vực lưu trữ thực hiện tốt qua các phông lưu trữ sẽ toát lên cả một nền văn minh quốc gia, cả một lịch sử dân tộc, các giá trị lịch sử truyền thống của đất nước sẽ được tái hiện thông qua giá trị các tài liệu và các vật lưu trữ. Công tác lưu trữ càng tốt, càng đầy đủ thì giá trị của nền văn hiến, lịch sử dân tộc, lịch sử quốc gia càng sâu sắc hơn và sẽ có tác dụng to lớn trong giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau, phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng Tổ quốc trong tình hình mới.
Trước sự cần thiết này, Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Đoàn Hải Dương) phát biểu: “Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên thiết kế một điều nêu về nguyên tắc thực hiện công tác lưu trữ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Vì công tác lưu trữ của 2 lực lượng này mang tính đặc thù và cực kỳ quan trọng. Các vấn đề cụ thể sẽ giao cho Chính phủ quy định và hướng dẫn ở các văn bản dưới luật”.
 |
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, ông Vũ Hồng Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Đại biểu Vũ Hồng Anh (Đoàn Hà Nội) chỉ tập trung phân tích vào phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Theo đại biểu, qua quy định trong dự thảo thì giữa nội dung khái niệm phông lưu trữ Quốc gia với phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam là không thống nhất. “Trên thực tế, từ khi hình thành cho đến nay, hai hệ thống lưu trữ của Đảng và lưu trữ Nhà nước đã và đang tồn tại độc lập, ổn định, phát huy hiệu quả. Vì vậy, một câu hỏi đặt ra là có nên đặt vấn đề thống nhất hai hệ thống lưu trữ này thành một hay không?”.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam) phân tích: “Chúng ta quy định lưu trữ quốc gia chia ra lưu trữ Nhà nước và lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm quốc gia và Nhà nước khác nhau chỗ nào. Chúng ta muốn chia lưu trữ Nhà nước với lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam cho nên chúng ta mới có lưu trữ quốc gia? Xét về tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp như thế nào, Nhà nước cũng theo tiếng đó dịch ra như thế nào, hay xét về mặt địa lý, chính trị, dân tộc thực thể quốc gia là một chủ thể, chủ quyền có dân cư, có ngôn ngữ, có văn hóa? Còn Nhà nước theo tôi hiểu là một thiết chế bộ máy Nhà nước. Như vậy liệu quốc gia có tài liệu lưu trữ không? Từ đó chúng ta mới giải quyết được bài toán bất cập ở chỗ Pháp lệnh Lưu trữ đã qua nhiều năm rồi có quy định này để nhập lại lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam và lưu trữ Nhà nước làm thành một, nhưng không làm được bởi vì vướng. Cho nên tôi đề nghị trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp này cần làm rõ khái niệm đó để chúng ta quy định cụ thể”.
Tuy nhiên, không ít đại biểu lại có ý kiến trái ngược với đại biểu Minh và Anh. Đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị: “Nên có quản lý thống nhất ở cấp quốc gia, có một phông chung đó là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Trong đó chúng ta có thể tách ra hai bộ phận như pháp lệnh hiện hành và tôi đề nghị về bộ máy chúng ta cũng tập trung quản lý thống nhất và tinh gọn. Tôi có đề xuất tăng cường các biện pháp lưu trữ bằng phương tiện hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế dần lưu trữ bằng chất liệu giấy và nhằm giảm bớt sức chứa cho các kho và đỡ tốn thời gian tra cứu cho nhân dân”.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Viết Lểnh (Đoàn Bình Định) nói: “Tôi tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổ cũng như ở trên hội trường là nên thống nhất phông lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và gọi tên là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Để vừa thống nhất quản lý Nhà nước, vừa tận dụng phát huy được các điều kiện và phương tiện đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thu thập bảo quản và khai thác tư liệu. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc sáp nhập Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viên Hành chính quốc gia và đang từng bước hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước. Cho nên, chúng tôi thấy việc sáp nhập là hợp lý”.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề cập đến nhiều nội dung như xã hội hoá công tác lưu trữ, quản lý nhà nước về lưu trữ…
Xuân Dũng