QĐND - Chỉ vỏn vẹn 45 ngày được sống bên chồng, để rồi phải xa nhau suốt quãng đời còn lại; thậm chí, đến khi nhận giấy báo tử của người chồng yêu dấu, bà Trương Thị Sẻ, ở xã Như Hòa (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) vẫn không tin đó là sự thật. Bà luôn giữ trong mình một niềm tin sắt đá về ngày đoàn viên vợ chồng.
 |
Bà Trương Thị Sẻ hiện nay. Ảnh: NHƯ HOA.
|
Một trong “ba nữ tướng” của xã Như Hòa
Năm nay, tuy đã bước sang tuổi 75, nhưng bà Trương Thị Sẻ vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Bà bảo, sức khỏe bà dẻo dai là bởi được rèn luyện từ những năm tháng vất vả, nhọc nhằn của tuổi thơ. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng, bà về sống cùng gia đình người chú ruột. Nhà chú vốn nghèo, lại đông miệng ăn, nên bà đã sớm ý thức được hoàn cảnh của bản thân, làm mọi việc từ nhỏ tới lớn kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Cuộc sống dù vô cùng vất vả, nhưng bà cũng là người ham hoạt động phong trào và sớm được giác ngộ cách mạng. Ngày ấy, phong trào thanh niên, phụ nữ xã Như Hòa hoạt động hết sức sôi nổi. Cứ ngơi việc, bà lại lao vào tham gia hoạt động phong trào đoàn thể của xã, vận động chị em đi sinh hoạt văn nghệ, nghe tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng... Cũng do điều kiện và hoàn cảnh, nên mãi đến năm 16 tuổi, bà mới theo học lớp xóa mù do xã tổ chức. Rồi được sự động viên, khuyến khích của các tổ chức quần chúng trong xã, bà kiên trì theo học lớp bổ túc vào các buổi tối và đến năm 1965, bà hoàn thành chương trình lớp 7.
Là người năng nổ, hoạt bát, có ý chí và nghị lực, tích cực tham gia hoạt động phong trào của xã, nên bà được tín nhiệm, lần lượt giao cho nhiều cương vị công tác ở địa phương. 18 tuổi, bà vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1968, bà Trương Thị Sẻ được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy xã Như Hòa khi mới tròn 27 tuổi. Thời điểm đó, bà là nữ bí thư duy nhất và trẻ nhất trong 27 xã của huyện Kim Sơn. Đến bây giờ, ngót nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều người dân vẫn nhớ và nhắc tới “ba nữ tướng” của xã Như Hòa hồi đó bằng giọng rất tự hào: Bí thư Trương Thị Sẻ, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Phạm Thị Tuyết và Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Thục.
Ngày đó, phong trào “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” được phát động rộng rãi khắp cả nước. Xã Như Hòa cũng hòa chung khí thế sục sôi của cả nước, ba người phụ nữ trên đã lãnh đạo nhân dân trong xã tích cực hăng hái lao động sản xuất, đóng góp lương thực cho tiền tuyến, động viên thanh niên lên đường tòng quân… Các phong trào do xã phát động được mọi người hưởng ứng mạnh mẽ. Cũng vì lẽ đó, ba bà được nhân dân ủng hộ và rất tin tưởng, gọi là “ba nữ tướng”.
 |
Bà Trương Thị Sẻ (thứ tư, từ trái sang) năm 1968. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Niềm tin sắt đá
Dù đã nghe bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam kể nhiều về mối tình giữa bà Trương Thị Sẻ với ông Phạm Đình Thông (bộ đội chủ lực chuẩn bị đi B) và trực tiếp đọc những lá thư của ông Thông gửi cho vợ hiện đang lưu giữ tại bảo tàng, nhưng khi được nghe chính bà kể lại câu chuyện cuộc đời mình, chúng tôi vẫn không thể giấu được sự xúc động lẫn niềm cảm phục.
Ngày ấy, qua các hoạt động phong trào trong thôn ngoài xã, ông Thông đã “để ý” đến bà. Lúc đầu bà còn e ngại về hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn nên tìm mọi cách lẩn tránh tình cảm của ông. Thế nhưng, được mọi người vun vào, cộng thêm tình cảm thật lòng của ông, bà xóa dần mặc cảm và nhận lời yêu ông khi tròn 17 tuổi. Đến năm 1959, ông bà tổ chức đám cưới đơn giản theo đời sống mới, chỉ có bánh kẹo, trà nước mời họ hàng, làng xóm. Sau đám cưới đúng một tuần, chồng bà trở lại đơn vị đóng quân ở Hà Đông. Nói rồi bà nhẩm tính: Năm sau (tức 1960), ông Thông được về nghỉ phép 10 ngày, tiếp đó 15 ngày nghỉ phép năm 1961 và thêm một lần bà lên gặp ông trước khi ông nhận “nhiệm vụ đi B” là đúng 45 ngày ông bà được gặp nhau.
Bà Sẻ trải lòng, ông vừa là người chồng, người bạn và cũng là người anh, người thầy chỉ bảo bà từng ly từng tý từ cách đối nhân xử thế ở đời, cổ vũ, động viên bà tham gia các hoạt động xã hội... Vì thời gian ở bên nhau quá ngắn, nên trong mỗi cánh thư gửi về, ông Thông không bao giờ quên căn dặn bà việc này, việc nọ, để bà phấn đấu, trưởng thành. Có lẽ bởi thế mà bà Sẻ luôn tâm nguyện, “báu vật” hiện tại của bà là cô con gái và 30 lá thư ông gửi cho bà. Với bà, những lá thư chính là tình yêu, cuộc sống, là “gậy chống lưng” cho bà vững vàng bước suốt những ngày không có ông. Từng dòng, từng chữ đã in sâu vào trong tâm trí bà. Không cần lần giở, bà chậm rãi đọc từ những lá thư đầu tiên cho tới tận lá thư cuối cùng…
Cô con gái là kết quả lần cuối cùng bà gặp ông trước khi ông nhận nhiệm vụ lên đường vào Nam “công tác đặc biệt”. Cũng sau lần đó, bà và ông bặt tin nhau, nhưng bà có niềm tin sắt đá vào một ngày vợ chồng đoàn tụ. Giấu sự lo lắng vào lòng, bà toàn tâm toàn ý chăm sóc con và tham gia các hoạt động công tác của xã.
Thế nhưng, thời gian cứ trôi, mà tin tức của ông vẫn "biệt vô âm tín". Rồi một ngày đầu năm 1976, khi tin tức của ông đến với bà lại là tờ giấy báo tử mang tên: Liệt sĩ Phạm Minh Thông. Nghẹn ngào, bà bảo: “Tên chồng tôi là Phạm Đình Thông, ông ấy chắc chắn còn sống”. Và rồi bà kiên quyết mang tờ giấy báo tử xuống tận Huyện đội (nay là Ban CHQS huyện) để trả lại. Lần thứ hai, cơ quan quân sự gửi giấy báo tử về gia đình, bà lại mang trả. Cho đến lần thứ ba, giấy báo tử chuyển về gia đình ghi đúng họ tên liệt sĩ Phạm Đình Thông, bà mới chấp nhận, rằng chồng bà đã mãi mãi không về...
Cho đến tận bây giờ, bà Sẻ vẫn nhớ như in những lời dặn dò, chỉ bảo của người chồng trong từng cánh thư. Bà xem đó là nguồn động lực, là niềm tin, giúp bà có thể đứng vững và vượt qua tất cả những chông gai, nhọc nhằn trong suốt quãng thời gian đằng đẵng không có ông ở cạnh bên!
KIM ANH - NHƯ HOA