Con đẻ của nhân dân Hà Bắc
Ngày 10-1-1946, một trăm ngày sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, các lực lượng vũ trang cách mạng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành Chi đội Bắc Bắc Giải phóng quân, sau đổi tên thành Trung đoàn 36 Về quốc đoàn. Đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ chống lại âm mưu thâm độc của Tàu Tưởng và tay sai hòng lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Chi đội Bắc Bắc cử một bộ phận tham gia Nam tiến sát cánh chiến đấu với quân và dân Nam Trung bộ và Nam bộ chống quân Pháp trở lại xâm lược nước ta.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dưới sự chỉ huy của chiến khu XII, Trung đoàn 36 một mặt củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng hậu phương kháng chiến trên hai tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang, một mặt cử lực lượng phối thuộc với Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, hình thành thế bao vây quân Pháp từ phía Bắc, hỗ trợ cho Trung đoàn Thủ đô cầm chân quân Pháp 60 ngày đêm ở Hà Nội, tạo điều kiện cho toàn quốc chuyển sang kháng chiến.
Sau khi Trung đoàn Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện cuộc rút quân thần kỳ bảo toàn lực lượng ra khỏi Thủ đô, giặc Pháp từ Hà Nội đánh lan rộng ra vùng lân cận. Chúng càn quét chiếm đóng vùng ven sông Đuống, nam phần Bắc Ninh, củng cố hành lang Hà Nội-Hải Phòng. Trung đoàn 36 cử một lực lượng vượt sông Đuống phân tán thành đại đội độc lập tiến vào vùng địch tạm chiếm phát động chiến tranh du kích. Trung đoàn đã đánh một loạt trận hỗ trợ cho phong trào chiến tranh nhân dân địa phương như các trận Làng Cam, Bến Hồ, Sàn Rãnh, Á Lữ, Cẩm Lý.
Trận Cẩm Lý anh dũng, sáng tạo, táo bạo, bất ngờ
Năm 1948, địch ráo riết xây dựng hệ thống đồn bốt để mở rộng vùng tạm chiếm của chúng, chống lại các hoạt động chiến tranh du kích của ta đang trên đà phát triển. Trong những đồn bốt này có vị trí Cẩm Lý gồm một trung đội nằm trên một quả đồi thấp sát bờ sông Lục Nam. Trong đồn có một tháp canh xây bằng gạch, cao 10 mét, đứng trên tháp canh có thể kiểm soát một khu vực khá rộng ở chung quanh. Quanh tháp canh là một hệ thống lô cốt xây bằng xi măng và nhiều ụ chiến đấu thông với nhau bằng giao thông hào. Chung quanh đồn là một hào lớn rộng 3 mét, sâu gần 3 mét, phía ngoài hào là ba lớp hàng rào dây thép gai.
Làm thế nào để tiêu diệt được đồn binh vững chắc này của địch trong lúc toàn trung đoàn không có vũ khí nặng, thậm chí thuốc nổ cũng không có? Một kế hoạch táo bạo được đề ra: Lợi dụng địch đang bắt phu ở các làng lân cận lên đồn xây dựng các công trình phòng ngự, ta cho một số chiến sĩ gan dạ, mưu trí cải trang làm dân phu gánh gạch lên đồn, bất thình lình đánh úp tiêu diệt binh lính bên trong đồn bằng vũ khí ngắn và dao găm, lựu đạn…
Năm 1949, trung đoàn 36 được vinh dự cùng với hai trung đoàn 88 và 102 thành lập Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Trung đoàn đã tham dự tất cả các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp từ chiến dịch Biên giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trung đoàn đã lập nhiều chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc. |
Hai đại đội độc lập hoạt động ở Yên Thế và Lạng Giang được chọn để tuyển lựa ra 54 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, thông minh nhất (trong số này có 48 đảng viên) làm lực lượng xung phong diệt đồn Cẩm Lý. Một đồn binh giả, cấu trúc giống như đồn Cẩm Lý được dựng lên để tập luyện. Ngày 21 tháng 7 năm 1948, lực lượng diệt đồn, trang bị lựu đạn, kiếm ngắn, súng ngắn giấu trong người, đóng giả làm dân trong làng gánh gạch lên đồn. Đồng chí Phú Túc, đại đội trưởng đại đội Lạng Giang được chỉ định làm đội trưởng; đồng chí Ngô Ngọc Dương, đại đội trưởng đại đội Yên Thế làm đội phó, đồng chí Trần Giang là chính trị viên.
Theo đúng kế hoạch đã diễn tập nhiều lần, sáng 21 tháng 7 toàn đội cải trang thành 54 dân phu, trong đó có 20 người cải trang là phụ nữ từ làng Lịch Sơn gánh gạch lên đồn Cẩm Lý. Khi vào tới giữa đồn, theo ám hiệu của đồng chí Ngô Ngọc Dương là người đi cuối cùng, toàn đội nhanh nhẹn đặt gánh gạch xuống đất, đồng loạt rút vũ khí ra tiêu diệt binh lính địch trong đồn giữa lúc chúng đang bị bất ngờ. Trận đánh diễn ra rất nhanh chóng. Toàn bộ binh sĩ địch trong đồn gồm một trung đội do tên trung úy Mu-lê chỉ huy bị tiêu diệt gọn. Quân ta thu toàn bộ vũ khí quân trang quân dụng rút về căn cứ an toàn.
Lúc này, nhìn trong phạm vi cả nước, tiêu diệt vị trí có công sự như Cẩm Lý là một sự kiện đặc biệt. Tiếng vang của trận diệt đồn Cẩm Lý làm cho bọn Pháp và hội tề hoang mang lo sợ. Đội biệt kích diệt đồn Cẩm Lý được Bộ Tổng chỉ huy biểu dương và đúc kết kinh nghiệm thành chiến thuật kỳ tập để các đơn vị bạn học tập.
Trong trận này, đồng chí Ngô Ngọc Dương nổi tiếng Trung đoàn về chuyện vật nhau cắn mũi tên đồn trưởng Mu-lê.
Phát huy thắng lợi Điện Biên Phủ, trở về giải phóng quê hương
Năm 1949, trung đoàn 36 được vinh dự cùng với hai trung đoàn 88 và 102 thành lập Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Trung đoàn đã tham dự tất cả các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp từ chiến dịch Biên giới, Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trung đoàn đã lập nhiều chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc.
Sau chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta tại Điện Biên Phủ, quân Pháp trên khắp các chiến trường vô cùng hoang mang. Sợ bị ta tiêu diệt, địch phải thu hẹp vùng chiếm đóng, rút khỏi Việt Trì, Chợ Bến, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý.
Để phát triển thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta tiếp tục bước vào đợt tiến công mùa hè năm 1954 tiến xuống trung du, đồng bằng, nhằm tiêu diệt thêm sinh lực địch, làm tan rã quân ngụy, giải phóng đất đai, tạo hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta ở hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương vừa được nhóm họp sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhiệm vụ của các Đại đoàn 308, 312 và Liên khu Việt Bắc được Bộ Tổng tư lệnh xác định: "Xúc tiến hoạt động đánh địch để phối hợp với đồng bằng và nắm vững thời cơ tiêu diệt quân địch ở những nơi chúng rút. Đi đôi với hoạt động quân sự cần có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dân vận và địch vận trong địch hậu… Đồng thời với việc đẩy mạnh tác chiến, cần có kế hoạch di chuyển bộ đội lui xuống gần địch (đại đoàn 308 vùng bắc Phủ Lạng Thương, Đại đoàn 312 vùng bắc Vĩnh Yên), tạo thành một thế uy hiếp lớn quân địch, lúc có thời cơ thì sẵn sàng có lực lượng tung ra diệt địch hoặc làm áp lực cho bộ đội tham chiến khuếch trương chiến thắng"(*).
Đồng chí chính ủy trung đoàn 36 lên Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 nhận lệnh, nhanh chóng quay trở về phổ biến nhiệm vụ cho bộ đội.
Chấp thành chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh và mệnh lệnh của Đại đoàn 308, Trung đoàn 36 tiến về mở chiến dịch mùa hè ở Trung du đánh vào phòng tuyến của địch trên đường 13, 17 Bắc Giang. Được trở về đánh địch để giải phóng quê hương Bắc Bắc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vô cùng phấn khởi, náo nức, khí thế rất sôi nổi.
Tại đây, Trung đoàn được tăng cường một số lực lượng của Trung đoàn 102 đã đánh những trận cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giành thắng lợi giòn giã.
Tiêu diệt cứ điểm boong ke Cầu Lồ
Đảng ủy chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm tiêu diệt quân địch ở vị trí Cầu Lồ. Đây là một cứ điểm mạnh có lô cốt boong ke. Trung đoàn nhận định: Tiêu diệt được địch ở Cầu Lồ, toàn bộ hệ thống của chúng trong khu vực sẽ rung chuyển, tan rã.
Đồn Cầu Lồ nằm sát đường 13, cách Bắc Giang 18km, trên một quả đồi bằng phẳng rộng 400 mét, dài 600 mét. Công sự lô cốt, nhà chìm được cấu trúc thành boong ke xây dựng bằng xi măng cốt thép, do một đại đội tăng cường (hơn 200 tên) chiếm giữ, phần đông lính ngụy là người Ngái, một số là lính Âu Phi.
Tiểu đoàn 80 được giao nhiệm vụ chính trong trận này. Tiểu đoàn thiếu đại đội 63 (đại đội này có nhiệm vụ đi đánh một tháp canh trên đường về Bắc Giang, phá sập một chiếc cầu ở đó, chặn viện ở Nhã Nam lên), nhưng lại được bù bằng đại đội 41 của tiểu đoàn 84. Đại đội này cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt tháp canh và phá cầu Mỗ Sơn trên đường về Bắc Giang.
Thấy quân ta đào hào bao vây, bọn địch ở đồn Cầu Lồ hốt hoảng kêu gào bọn địch ở Bắc Giang và Hà Nội đến ứng cứu.
Đêm 13-7-1954, tiểu đoàn 80 bắt đầu bước vào chiến đấu. Rất anh dũng, linh hoạt, các chiến sĩ tiểu đoàn 80 tuy bị pháo binh địch từ các vị trí xung quanh bắn dữ dội, vẫn tiến được vào cứ điểm và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã quét sạch bọn địch ngoan cố trên ba phần tư cứ điểm, chỉ còn lại hai lô cốt boong ke. Trận đánh đã phải tiếp tục qua hôm sau. Suốt ngày hôm đó, máy bay địch liên tiếp ném bom vào trận địa ta và ném trùm cả bom napan lên đồn, hòng đánh bật quân ta ra ngoài. Nhưng các chiến sĩ Trung đoàn 36 vẫn kiên cường bám chắc từng lô cốt, vừa dùng súng máy để bắn máy bay, vừa tiếp tục tìm cách phát triển vào tiêu diệt lô cốt boong ke không một phút nao núng.
Tới 16 giờ ngày 14-7-1945, quân ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm, diệt được cả hai lô cốt boong ke cuối cùng. Chỉ còn một dúm tàn binh địch thừa cơ trong lúc khói lửa mù mịt, lẻn ra phía sau cứ điểm chạy thoát. Đếm lại: gần hai trăm tên địch vừa bị tiêu diệt vừa bị bắt sống. Hai mươi bốn khẩu đại liên, mười bảy khẩu súng máy nhẹ và bốn khẩu cối 81 đã lọt vào tay ta. Lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của trung đoàn đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Những lô cốt boong ke mà quân xâm lược Pháp vẫn thường khoe khoang là không có cách gì phá nổi, giờ đây đã phải hoàn toàn hàng phục dưới gót chân của những chiến sĩ Trung đoàn 36, Đại đoàn Quân Tiên Phong 308.
Phá cầu, chặn viện đánh lui 2GM địch
Để bảo đảm cho trận công kiên tiêu diệt vị trí boong ke Cầu Lồ, Trung đoàn ra lệnh phá cầu trên đường 13, bao vây vị trí Chỉ Tác trên đường 17, chặn viện binh địch lên cứu nguy cho Cầu Lồ.
Đêm 6 tháng 7 năm 1954, đại đội 41 (tiểu đoàn 84) tiêu diệt vị trí cầu Mỗ Sơn trên đường 13 diệt gọn một trung đội địch, làm chủ căn cứ.
Ngày 7 tháng 7, một trung đội của đại đội 395 (tiểu đoàn 89) bao vây vị trí Chỉ Tác đã anh dũng chiến đấu chặn đánh quyết liệt một tiểu đoàn địch có xe tăng và pháo binh yểm trợ lên giải vây cho Cầu Lồ tiêu diệt gần 50 tên địch.
Ngày 11 tháng 7, đại đội 395 với nhiệm vụ phong tỏa đường 17 lại chặn đánh quân địch từ Cẩm Ly lên Chỉ Tác, diệt thêm 50 tên nữa.
Ngày 13 tháng 7 năm 1954, các GM (binh đoàn cơ động) số 1 và số 4 của địch từ đường 17 tiến lên đường 13. Nhưng chúng không ngờ đã có đại đội 397 của tiểu đoàn 89 do đại đội trưởng Tế chỉ huy đóng nút chặn. Cả hai binh đoàn cơ động của địch không sao vượt qua nổi trận địa của quân ta. Các đợt tiến công ác liệt đã diễn ra suốt cả một ngày trời ròng rã, cuối cùng địch phải rút lui.
Bao vây địch vận gọi hàng các đồn bốt lẻ
Phối hợp với hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Bắc Giang đồng loạt phát động một đợt bao vây địch vận gọi hàng các đồn bốt lẻ.
Các đơn vị này, theo chủ trương của cấp ủy địa phương, đã đi sâu vào cơ sở quần chúng, phát động một phong trào du kích chiến tranh thật mạnh mẽ và rộng lớn. Cũng vận dụng chiến thuật đánh lấn, các chiến sĩ và anh chị em dân quân du kích các xã đã đào hào vào tới sát các đồn, các tháp canh của địch để bao vây, địch vận. Theo tin tức từ phía địch, bọn chỉ huy Pháp ở Bắc Giang nghe các đồn lẻ ở khắp nơi tới tấp báo cáo về: "Bị bao vây". Tính ra có đến hơn hai chục đồn, tháp canh đã bị uy hiếp như vậy. Tên chỉ huy Pháp vùng Bắc Giang lên máy bay trinh sát đi một vòng trong khu vực dưới quyền chỉ huy của y. Trên những cánh đồng hiện lên rõ mồn một những con hào từ khắp các lũy tre tỏa ra vây tròn lấy từng đồn, bốt lớn nhỏ của bọn chúng.
Không có lệnh của bọn chỉ huy khu vực Bắc Giang, một loạt tháp canh và đồn lẻ đã tự ý mở cổng đồn tháo chạy về thị xã hoặc ra hàng quân ta.
Tình hình trở nên nguy ngập, bọn chỉ huy địch ở Bắc Giang điện về Hà Nội xin cho rút.
Vừa lúc đó thì Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Các phái viên chính trị, tham mưu của đại đoàn, trung đoàn, người dùng ngựa, người đi xe đạp phóng như bay tới tất cả các đơn vị để truyền dạt mệnh lệnh ngừng bắn.
Quân dân ta đại thắng lợi!
Đế quốc Pháp xâm lược đã thất bại!
Hòa bình đã được lập lại sau 9 năm kháng chiến gian khổ!
Tin mừng đến các chiến sĩ Trung đoàn 36 Bắc-Bắc, và Trung đoàn 88 Tu Vũ trong lúc chúng tôi đang chuẩn bị thuốc nổ, súng đạn để tiêu diệt vị trí Thái Đào và sẵn sàng tiến công vào thị xã Bắc Giang. Lệnh đình chiến đến đã gây nên trong các chiến sĩ ta một tâm trạng thật đặc biệt, một tình cảm thật khó tả: vui mừng phấn khởi vô cùng xen lẫn một nỗi nhớ da diết.
Vui mừng vì cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi rực rỡ. Niềm vui xen lẫn nỗi nhớ thương các đồng đội đã ngã xuống, không có mặt trong ngày toàn thắng hôm nay.
Trung tướng HỒNG CƯ
* Những tài liệu chỉ đạo đấu tranh vũ tang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy (từ năm 1945 đến năm 1954), Bộ Tổng tham mưu xuất bản, 1963, t.4, tr.317.