LTS: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của phong trào cách mạng liên tục diễn ra suốt 15 năm kể từ ngày thành lập Đảng, tập trung và sôi động nhất là sự vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền của các tầng lớp nhân dân khi thời cơ đến. Từ hôm nay, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số sự kiện nổi bật  trong những ngày tháng “long trời, lở đất” nói trên.

Ngày 12-3-1945:  Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”

Đêm 9-3-1945, phát-xít Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngay đêm hôm đó (9-3-1945), Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức hội nghị mở rộng ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Trường Chinh, để nhận định tình hình và đề ra chủ trương mới, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Đình Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) nơi diễn ra Đại hội Quốc dân cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), ngày 16-8-1945
 

Cuộc họp bắt đầu đúng lúc Nhật nổ súng đánh Pháp ở Hà Nội và trên toàn Đông Dương. Hội nghị phân tích những nguyên nhân tất yếu dẫn đến sự kiện này và tiên đoán phát-xít Nhật sẽ đè bẹp sự kháng cự của thực dân Pháp. Hội nghị đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình và nhận định rằng sự kiện Nhật đảo chính Pháp đặt Đông Dương vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, tạo ra những điều kiện làm chín muồi nhanh chóng thời cơ cách mạng ở Đông Dương. Đây là thời kỳ “tiền khởi nghĩa” ở Đông Dương. Theo đó, nhiệm vụ của Đảng lúc này là phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước; lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khi thời cơ đến. Hội nghị xác định: “Sau cuộc đảo chính này, phát-xít Nhật là kẻ thù chính – kẻ thù cụ thể, trước mắt, duy nhất của nhân dân Đông Dương”. Khẩu hiệu hành động lúc này là “Đánh đuổi phát-xít Nhật” và đề ra mục tiêu “Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”. Hội nghị cũng đề ra nhiều vấn đề cụ thể, các hình thức đấu tranh nhằm phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa và khẳng định tinh thần dựa vào sức mình là chính.

Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng bộ và nhân dân các địa phương trong suốt cao trào Tổng khởi nghĩa.

PGS, TS Lê Duy Chương