Trong thời chiến, bám sát chiến trường, theo từng dấu chân chiến sĩ xông pha ngoài mặt trận để kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ, động viên bộ đội ta giữ vững ý chí chiến đấu, giết giặc lập công, quyết tâm đánh tan quân xâm lược, đã trở thành phương châm hành động của mỗi người cầm bút ở Báo Quân đội nhân dân. Nhờ đó, Báo Quân đội nhân dân đã có những vệt, đợt bài tuyên truyền sâu đậm trên mặt báo nên có sức tác động, lan tỏa đặc biệt trong xã hội. Đợt tuyên truyền về tấm gương Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với câu nói nổi tiếng “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” trên Báo Quân đội nhân dân cách đây 45 năm, là một đợt như thế.

4 bức ảnh kèm theo bài báo “Bọn xâm lược Mỹ đã phải đền tội ác trên vùng trời miền Tây Quảng Bình” của tác giả Nguyễn Đức Toại đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân ngày 29-11-1964

“Sự kiện vàng” trong lịch sử Báo Quân đội nhân dân

Mỗi khi đọc cuốn Lịch sử Báo Quân đội nhân dân 1950-2000 do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2000, bạn đọc thêm một lần hiểu sâu sắc hơn tập thể những người cầm bút của tờ báo chiến sĩ đã nhanh nhạy nắm bắt những tin tức, “sự kiện vàng” bằng đôi mắt tinh tường để góp phần tạo ra những đợt tuyên truyền có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. 

Ngày 18-11-1964, Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ thuộc Sư đoàn B25 đã anh dũng chiến đấu và bắn rơi máy bay Mỹ. Chỉ 3 ngày sau đó, trên Báo Quân đội nhân dân ra ngày 21-11-1964 đã kịp thời đưa tin và bình luận: “Hoan nghênh nhiệt liệt chiến công mới to lớn của bộ đội phòng không vừa giáng thêm vào đầu bọn xâm lược một đòn trừng phạt thích đáng”. Trong trận đánh này, xuất hiện nhiều cán bộ, chiến sĩ chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Tiêu biểu nhất là tấm gương Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân, dù hai lần bị thương nặng nhưng anh vẫn cố gắng nén đau, động viên đơn vị “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” và tiếp tục bám trận địa, chỉ huy đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Nhận thấy đây là một tấm gương rất đáng được cổ vũ, biểu dương và nhân rộng, phóng viên Nguyễn Đức Toại đến Đại đội 3-nơi vừa xảy ra trận đánh để lấy tư liệu mang về ngay. Sau đó, đồng chí Nguyễn Đức Toại đã báo cáo về tấm gương Nguyễn Viết Xuân trước toàn thể cán bộ, phóng viên để tham khảo ý kiến mọi người về việc tuyên truyền điển hình này trên báo. Mọi người đều nhất trí đánh giá cao tầm vóc của điển hình và cho rằng, nếu đăng lên báo sẽ được hưởng ứng rộng rãi và có tác dụng lớn trong trận “Quyết chiến, quyết thắng” không lực Hoa Kỳ lúc đó.

Tòa soạn phân công anh em viết các loại bài phản ánh, ngôn luận và cử Nguyễn Ngọc Tú (Trưởng phòng Quân sự), Vũ Hồ (Phòng Chính trị-văn hóa) đến gia đình Nguyễn Viết Xuân ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc tìm hiểu viết về Nguyễn Viết Xuân từ khi anh ở nhà và xin ảnh để đăng kèm bài báo. Nhà báo Vũ Hồ kể lại: “Tôi đã về tận quê đồng chí Nguyễn Viết Xuân và vô cùng cảm phục trước nghị lực của chị vợ liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân. Rất đau xót trước sự hy sinh của chồng nhưng chị nén đau thương vượt lên, phấn đấu xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của anh”. 

Những người “thổi hồn” cho sự kiện lịch sử

Trong cuốn sách Điển hình-vệ tinh của truyền thống do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2000, Đại tá Nguyễn Đức Toại kể: “Ngày 20-11-1964, tôi tới vùng Cha Lo. Những hố bom, hố đạn rốc-két chi chít cày tung lên còn khét mùi thuốc súng... Trận địa ngừng tiếng súng thì Đại đội trưởng Lê Hữu Mai cho chiến sĩ qua đón chúng tôi về trận địa chính, mừng chúng tôi an toàn và chuyện kể từ đại đội trưởng đến cán bộ, chiến sĩ bắt đầu. Càng nghe kể tấm gương Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân càng nổi trội lên một biểu tượng anh hùng. Anh Khắc Tô-cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân có mặt từ đầu đến cuối trận đánh đã cung cấp thêm tư liệu khá đầy đủ và chân thực của trận đánh, về phẩm chất anh hùng, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ có mặt trong trận đánh và phẩm chất anh hùng của Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân... Bài viết về chiến công của Đại đội 3-Nguyễn Viết Xuân được đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 29-11-1964 dưới đầu đề “Bọn xâm lược Mỹ đã phải đền tội ác trên vùng trời miền Tây Quảng Bình” kèm theo 4 ảnh chụp xác máy bay bị bắn rơi. Riêng phần viết về Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân thì để dành lại, sau này đưa đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội để phối hợp tuyên truyền điển hình Nguyễn Viết Xuân trên Báo Quân đội nhân dân. Bài báo với đầu đề “Điệp khúc anh hùng” ca ngợi tấm gương Nguyễn Viết Xuân được đưa vào sách văn học lớp 7 phổ thông”.

Bài báo “Nguyễn Viết Xuân, một đảng viên ưu tú, một bí thư chi bộ xuất sắc” của tác giả Vũ Hồ và Lê Bá Súy đăng trên trang 1 Báo Quân đội nhân dân ngày 16-1-1965. Ảnh: TL

Cùng với nhà báo Nguyễn Đức Toại, góp phần làm nên tên tuổi Anh hùng Nguyễn Viết Xuân còn có các đồng chí Nguyễn Ngọc Tú, Vũ Hồ, Lê Bá Súy... - Những người đã tham gia viết bài theo đợt tuyên truyền điển hình do Tòa soạn phân công. Đánh giá về hiệu quả xã hội của đợt tuyên truyền đặc biệt này, Lịch sử Báo Quân đội nhân dân đã ghi nhận: “Tấm gương Nguyễn Viết Xuân vừa được giới thiệu trên Báo Quân đội nhân dân kèm theo ảnh chân dung đã làm xúc động lòng người, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh. Lời hô “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Nguyễn Viết Xuân đã vang lên trên khắp các trận địa, gây nên một khí thế hào hùng mới, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ ta ra sức thi đua lập công xuất sắc, bắn rơi ngày càng nhiều máy bay hiện đại của không lực Hoa Kỳ... Đợt tuyên truyền thi đua học tập Nguyễn Viết Xuân đã góp phần quan trọng giải quyết được tư tưởng sợ vũ khí kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, xác định rõ con người là yếu tố quyết định, cổ vũ quyết tâm chiến đấu đánh máy bay Mỹ của các lực lượng phòng không”.  

Được chứng kiến và ghi lại những sự kiện trong chiến tranh, các nhà báo đã góp phần làm cho các sự kiện trở thành “hiện tượng lịch sử” mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Vì vậy, mỗi khi nhắc đến tên tuổi và lời nói bất hủ của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân, bạn đọc không bao giờ quên những cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân thông qua những bài phản ánh, bình luận kịp thời, sắc sảo đã “thổi hồn” cho sự kiện lịch sử ấy càng có sức sống với thời gian. Đó là niềm vinh dự, tự hào của những chiến sĩ-phóng viên thời chiến và là bài học thực tiễn bổ ích, quý báu cho những người cầm bút mặc áo lính hôm nay học tập.

NGUYỄN VĂN HẢI