QĐND Online- Cả non sông, dân tộc đang chào đón kỷ niệm lần thứ 65-“Mùa thu Cách Mạng”. Trong bốn mùa quy luật “Xuân, Hạ, Thu, Đông”, dân tộc Việt Nam đều có những “mùa” gắn với lịch sử, với niềm tự hào sâu sắc. Ấy là mốc son vĩ đại của Mùa Thu lịch sử với ngày mồng hai, tháng chín năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm. Mùa Thu năm ấy đã làm một “Cuộc đổi đời cho dân tộc”. Chấp hành Chỉ thị bản “Quân lệnh số 1” của Uỷ ban khởi nghĩa, tiến theo lá cờ đỏ, sao vàng, đoàn quân giải phóng và toàn thể nhân dân yêu nước đã vùng lên lật đổ ách thống trị thực dân, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cả dân tộc vang khúc ca hùng tráng :
“Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến
Trời phương nam, dân chúng đang ngóng chờ…”
Khắp non sông rạo rực, vang dội lời kêu gọi của Bác Hồ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”.
Cả nước đã đồng loạt đứng dậy để có một Mùa Thu lịch sử. Ngày Quốc khánh 2-9-1945 đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân thống trị hơn 80 năm và chế độ quân chủ đã tồn tại hàng nghìn năm trên dải đất hình chữ S. Ngày Quốc khánh 2-9-1945 mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
 |
Ngày khai mạc "Tuần lễ vàng" tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh Tư liệu) |
Nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định: Đây thật sự là cuộc đổi đời của dân tộc ta.
Tiếp đó, trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, nhân dân và quân đội ta còn có những “mùa” rất đỗi hào hùng, oanh liệt như Thu Đông 1953-1954; Mùa Hè đỏ lửa 1972 và đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, cả nước vang khúc ca khải hoàn…
Nhắc lại, xâu chuỗi để thấy được giá trị, ý nghĩa lớn lao của Mùa Thu Cách mạng mà cội nguồn bắt rễ từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Sau khi cách mạng giành thắng lợi, chính quyền nhân dân và Nhà nước còn non trẻ gặp biết bao khó khăn. Để tháo gỡ vân đề này, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã phát động “Tuần lễ vàng” nhằm động viên mọi người dân yêu nước tự nguyện có những đóng góp công- của cho Tổ quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sắc lệnh của Chính phủ, ngay tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng bạc rất sôi nổi. Từ những người lao động nghèo đến những nhà tư sản, điền chủ…đều hết lòng đóng góp. Trong một tuần, nhân dân Thủ đô đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc và nhiều tiền bạc, hiện vật khác…Số tiền đó đã góp phần giúp Chính phủ khắc phục những vấn đề về tài chính trước mắt, mua sắm được một số vũ khí cần thiết xây dựng nền quốc phòng…
Nhớ lại “Tuần lễ vàng” để thấy “Tấm lòng vàng” của người dân Việt. Dân tộc Việt Nam vốn có lòng yêu nước nồng nàn và mỗi khi Tổ quốc cần, cả triệu triệu tấm lòng sẽ được kết nối. Trong chiến tranh, người dân Việt Nam đã không hề tiếc công, tiếc của mà còn không hề tiếc cả máu xương, tính mạng mình, sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, tự do, vẹn toàn Tổ quốc.
Điều đó là chân lý, là lẽ sống của những người Việt Nam chân chính.
Lòng yêu nước của người dân Việt Nam trong chiến tranh là vậy, thế còn trong thời bình thì sao?
Có nhiều người nêu câu hỏi ấy ra, bởi lẽ có những điều mà trong cuộc sống hôm nay, giữa những toan tính mưu sinh, lòng yêu nước nồng nàn chưa được bộc lộ nhiều, chưa trở thành phong trào có ý nghĩa, sâu rộng và nhiệt huyết, hiệu quả trong xã hội hôm nay, kiểu như có một “Tuần lễ vàng” trong thời đại mới. Trong thời bình bây giờ, lòng yêu nước nồng nàn cần biến thành hành động…
Đặt vấn đề ấy, có ý trúng nhưng chưa đầy đủ. Đành rằng, cuộc sống trong vòng quay đến chóng mặt xuất hiện nhiều những con người thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Còn cả một bộ phận không nhỏ những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, trục lợi, gây bất bình trong nhân dân.
Xem xét những hiện tượng đó nhưng phải thấu hiểu chiều sâu truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam. Với dân tộc ta, truyền thống yêu nước là lẽ tự nhiên được hun đúc từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và được truyền lại cho con cháu đời sau. Tình cảm và tư tưởng yêu nước luôn là tình cảm, tư tưởng lớn nhất của phần lớn những người dân Việt Nam. Tư tưởng, tình cảm đó được cha ông hình thành từ rất sớm, được thử thách, tôi luyện, nhất là qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Yêu nước là giá trị truyền thống cao quý, trở thành vũ khí tinh thần của cả dân tộc…Chính vì thế, trong sâu thẳm mỗi người Việt Nam chân chính, lòng yêu nước là một phần máu thịt. Vấn đề đặt ra là ở chỗ: Phải làm thế nào khơi dậy lòng yêu nước của đồng bào, như tinh thần của những ngày đầu đất nước còn non trẻ? Trách nhiệm ấy, đầu tiên phải thuộc về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, những cán bộ, đảng viên, công chức…Phải biết tập hợp, nêu ngọn cờ trước quần chúng.
Tinh thần yêu nước trong điều kiện của cuộc sống mới hôm nay không phải tất cả đều phải thông qua những hành động lớn lao hay vĩ đại mà cần được thể hiện qua những suy nghĩ, việc làm bình dị, miễn là chung tay, góp sức để vun trồng cho hạnh phúc, gây dựng cuộc sống nhân dân ngày một tốt hơn. “Trăm sông hoà thành biển cả”, mỗi người có một việc làm tốt, mỗi người cố gắng trở thành một bông hoa tốt thì đất nước sẽ có một vườn hoa rực rỡ.
Tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam là mãi mãi và luôn nồng nàn, rực lửa. Truyền thống cần phải được hun đúc, như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng chúng ta lớn lên cùng đất nước.
Ngô Anh Thu