* Bài 1: Đứng vững trước mọi thử thách
QĐND - Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, có nhà báo nước ngoài nêu lên một hình ảnh: Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành lại ngôi nhà của mình. Nhưng có những chi tiết người nước ngoài không biết hoặc không nói ra, đó là sau 80 năm dưới ách đô hộ của Pháp, nội tình “cái nhà mới giành lại được” như thế nào? Đó là ngôi nhà “mái dột – nhà xiêu – tiền không – gạo cũng không”.
Sau khi đã cướp đi sinh mạng của một phần mười dân số (2/20 triệu người), nạn đói vẫn chưa chấm dứt trong bối cảnh đê vỡ, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Hồng chìm trong nước. Cấp bách hơn cả là tình thế “lửa cháy hai đầu”. Trong Nam, quân Pháp đã trở lại nổ súng hòng “giành lại bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa”. Ngoài Bắc, quân Tàu trắng đã sớm có mặt, mang theo một lũ tay sai với mưu đồ “diệt Cộng – cầm Hồ”. Giữa cảnh thiên tai địch họa, để giữ cho “ngôi nhà không bị sập”, trong ngân khố nhà nước chỉ vẻn vẹn hơn một triệu đồng bạc rách. Chính trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó xuất hiện cụm từ ngàn cân treo sợi tóc, nói lên chính xác nhất tình thế của chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong tình thế đất nước bị bao vây bốn phía, bạn bè xa gần lại không có những sự hiểu biết cần thiết về nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, về những sách lược mềm dẻo và thiết thực của người lãnh đạo đất nước này. Từ chỗ không hiểu vì sao Đảng Cộng sản tuyên bố “tự giải tán”, người ta chê trách Đảng ta hữu khuynh, dân tộc chủ nghĩa. Trên một tờ báo hàng đầu của một nước bạn lớn, suốt những năm 1945-1949 chỉ vẻn vẹn có 8 mẩu tin về cách mạng và chiến tranh trên bán đảo Đông Dương. Trong những năm đó, về mặt đối ngoại, chúng ta kháng chiến đơn độc trong điều kiện “bốn không”: Không có đồng minh, không có viện trợ, không có đường ra nước ngoài, không có giao lưu quốc tế.
Trong bối cảnh đó, tinh thần đem sức ta giải phóng cho ta đã được vận dụng thành công trong Cách mạng tháng Tám, nay lại được Đảng duy trì, vận dụng và phát huy trong tình hình và nhiệm vụ mới, với quyết tâm dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân để củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Với đường lối kháng chiến – kiến quốc, với tinh thần tự lực tự cường mang tính truyền thống được Đảng nâng lên tầm cao thời đại, cả dân tộc đã đứng vững không chỉ trong những ngày chính quyền cách mạng còn trứng nước mà suốt 5 năm chiến đấu trong vòng vây.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới - 1950. Ảnh tư liệu |
Khi cuộc chiến tranh toàn cục nổ ra (đêm 19-12-1946), đối phương cố tình xuyên tạc, đổ lỗi cho ta hiếu chiến. Nhưng nhìn lại từng chặng đường đối ngoại không mệt mỏi của Cụ Hồ suốt 16 tháng trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (8-1945/12-1946) và cả mấy tháng đầu năm 1947, một điều cần khẳng định: Dân tộc Việt Nam khao khát hòa bình để xây dựng đất nước, sẵn sàng hợp tác bình đẳng và thân thiện với nước Pháp mới trên cơ sở độc lập và thống nhất. Khốn nỗi, từ cuộc tiếp xúc đầu tiên Võ Nguyên Giáp – Jean Sainteny (cuối tháng 8-1945), đến cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh – Thierry D’Argentlieu (24-3-1945), từ hội nghị trù bị Đà Lạt (tháng 5-1946) đến hội nghị chính thức Fontainebleau (từ tháng 7 đến tháng 9-1946), mấy từ độc lập và thống nhất do phía Việt Nam nêu lên trong các cuộc thương thuyết đều hoàn toàn xa lạ đối với phía Pháp. Cuộc đánh chiếm Hải Phòng (20-27 tháng 11-1946) và tối hậu thư của Bộ chỉ huy Pháp (18-12-1946) là những giọt nước tràn ly. Đối phương buộc dân tộc ta phải chọn một con đường ngoài ý muốn, đó là đứng dậy cầm súng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được.
Ngay trong năm đầu sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trước một đối thủ hơn hẳn ta về trang bị kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và bằng cách đánh thông minh sáng tạo của mình, Vệ quốc đoàn đã cùng nhân dân vượt qua thử thách đầu tiên, tiêu hao địch và kìm chân chúng dài ngày trong cuộc tổng giao chiến trong các thành phố và thị xã, làm thất bại âm mưu đánh nhanh giải quyết nhanh của địch ngay từ “keo” đầu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong các thành phố và thị xã, lực lượng vũ trang chủ động rút về các vùng nông thôn nhằm bảo tồn và phát triển lực lượng, kháng chiến lâu dài. Mọi công việc cấp bách nhằm chuyển đất nước sang cuộc sống thời chiến được triển khai khẩn trương trong suốt mấy tháng từ cuối năm 1946 sang xuân - hè năm 1947.
Tiếp ngay sau đó là thêm một thắng lợi quan trọng của quân và dân ta, làm thất bại cuộc tiến công mạo hiểm và đầy tham vọng của hàng vạn quân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc. Cùng với chính quyền dân chủ được củng cố về mọi mặt, đời sống nhân dân được ổn định, thắng lợi của quân và dân ta trong mùa khô năm 1947 đánh dấu một bước trưởng thành của lực lượng vũ trang trong năm đầu kháng chiến toàn quốc. Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong chiến dịch Việt Bắc đã thiết thực động viên quân và dân cả nước vững tin vào tiền đồ của cách mạng, của kháng chiến.
Sau chiến thắng Việt Bắc, hàng loạt công việc khẩn cấp được đặt ra trước toàn Đảng toàn dân nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến đã bước sang giai đoạn chiến lược mới. Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm củng cố và kiện toàn bộ máy kháng chiến – hành chính các cấp, thành lập Hội đồng Quốc phòng, hợp nhất các Khu quân sự thành Liên khu, tổ chức và phát triển kinh tế tài chính, giáo dục, văn hóa kháng chiến, phát động phong trào thi đua yêu nước. Chính phủ quan tâm đẩy mạnh công tác đối ngoại nhằm vạch trần mưu đồ xâm lược của thực dân phản động Pháp và âm mưu lập chính quyền bù nhìn tay sai Bảo Đại, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới, trước hết là nhân dân Pháp và các nước Á - Phi. Phương châm đối ngoại được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra là làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với một ai.
Về mặt quân sự, những kinh nghiệm chiến đấu trong năm đầu kháng chiến toàn quốc đối với một đội quân vừa tròn ba tuổi là vô cùng quan trọng. Riêng với Bộ Thống soái tối cao, trước đòi hỏi phát triển của cuộc kháng chiến, vấn đề đặt ra là tổ chức lực lượng và chọn cách đánh chiến lược như thế nào cho phù hợp với trình độ còn hạn chế của bộ đội chủ lực, đồng thời làm thế nào để động viên sức mạnh của toàn dân, triển khai bằng được thế trận chiến tranh nhân dân. Hai vấn đề lớn của bài toán chiến lược đã được hội nghị Trung ương mở rộng tháng 1-1948 tìm ra đáp số.
Chấp hành nghị quyết hội nghị Trung ương về triển khai thế toàn dân đánh giặc, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy đã mạnh dạn phân tán chừng 1/3 bộ đội chủ lực (103/299 đại đội) tổ chức thành những đại đội độc lập, ban xung phong công tác, đội vũ trang tuyên truyền, đưa vào vùng sau lưng địch. Các tổ đội này vận dụng kinh nghiệm của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trước đây, dùng hoạt động quân sự để động viên chính trị nhân dân đồng thời từng bước dìu dắt LLVT các địa phương, phát động phong trào chiến tranh du kích, đánh địch rộng khắp trong vùng tạm bị chiếm. Về chủ trương rèn luyện bộ đội chủ lực trưởng thành trong đánh vận động tiêu diệt địch, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy giữ nguyên tổ chức tiểu đoàn, trung đoàn trong số (2/3) bộ đội chủ lực còn lại để luyện tập từng bước trong tác chiến tập trung. Đây là quá trình kiên trì huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội đi đôi với mở các chiến dịch nhỏ tiến công các đồn bốt địch, với quy mô tác chiến phổ biến là tiểu đoàn.
Ngày đó, phương châm dùng binh này được gọi là đại đội độc lập – tiểu đoàn tập trung, một phương châm có ý nghĩa quyết định thành công của chủ trương triển khai thế trận toàn dân đánh giặc, đồng thời tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực được rèn luyện và trưởng thành từng bước bằng tác chiến tập trung trong các chiến dịch nhỏ. Với phương châm này, ta buộc địch phải căng kéo lực lượng đối phó trên cả hai mặt trận phía trước và vùng tạm chiếm, đẩy chúng vào hai mâu thuẫn chiến lược không có lối thoát, đó là mâu thuẫn giữa tiến công và phòng ngự và mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng (để mở các cuộc hành binh) và phân tán binh lực (để đối phó với các chiến dịch nhỏ của bộ đội chủ lực và với phong trào chiến tranh du kích ngày càng lan rộng).
Những năm 1948 - 1950 là khoảng thời gian mà bộ máy quân - dân - chính - đảng các cấp vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, ra sức và kiên trì hoạt động về mọi mặt; là thời kỳ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Bộ Thống soái tối cao, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm tạo thế mới, lực mới để đón thời cơ chiến lược. Đó là thời kỳ quân và dân Việt Nam thể hiện cao độ tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua mọi thử thách để không những đứng vững trong cuộc chiến đấu không cân sức mà còn từng bước lớn lên về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, trong điều kiện chiến đấu giữa vòng vây của các thế lực đế quốc. Quãng thời gian hơn hai năm đó đánh dấu bằng bước trưởng thành vượt bậc của cả guồng máy kháng chiến nói chung và của lực lượng vũ trang nói riêng. Riêng về mặt quân sự, đó là thời kỳ hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); thời kỳ phát triển về quy mô tổ chức của bộ đội chủ lực từ tiểu đoàn, trung đoàn lên đại đoàn; thời kỳ phát triển về quy mô tác chiến của Vệ quốc đoàn từ tiểu đoàn là phổ biến, tiến dần lên nhiều tiểu đoàn rồi trung đoàn; thời kỳ phát triển về hình thức chiến tranh từ chiến tranh du kích là chủ yếu tiến dần lên chiến tranh chính quy. Nhìn tổng quát, đó là thời kỳ chuyển hóa từng bước rõ rệt cả về thế và lực ngày càng có lợi cho ta, thời kỳ thế trận toàn dân đánh giặc hình thành và được củng cố ngày càng vững chắc. Sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân đã tạo yếu tố quyết định đẩy chính quyền Pa-ri vào con đường suy yếu rõ rệt, đánh dấu bằng 8 lần (trong tổng số 12 lần) nội các Pháp thay nhau lập lên đổ xuống trong 5 năm đầu chiến tranh xâm lược Đông Dương 3. Chính sách “dùng người Việt đánh người Việt – lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” không cứu được quân viễn chinh Pháp đang ngày càng lún sâu vào tình thế bất lợi. Trước những khó khăn phản ánh sự bất lực của chính quyền Pa-ri, từ giữa năm 1950 đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Viện trợ của Mỹ ngay trong năm đầu (1950) đã chiếm chừng 1/5 tổng số chiến phí của Pháp ở Đông Dương (52/266,5 tỷ franc). Do sự can thiệp của Mỹ, cuộc chiến tranh Đông Dương trở thành một bộ phận trong chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, trở thành một vấn đề quốc tế giữa hai phe trong cuộc xung đột chung giữa phương Đông và phương Tây. Nhân dân ta không chỉ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược mà từ đây, cả thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đều đã trở thành đối tượng chính của cách mạng Việt Nam.
Chính trên cơ sở trưởng thành từng bước vững chắc của các ngành, các cấp trong guồng máy kháng chiến sau 5 năm chiến đấu trong vòng vây, mà chuyến đi công cán - đột phá ngoại giao - của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1950 đã giành được thắng lợi quan trọng: Lãnh đạo các nước bạn (trước hết là Liên Xô) đã hiểu và không còn ngộ nhận về đường lối kháng chiến của ta, chấp nhận viện trợ trên cơ sở công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khai thông về chính trị đối ngoại đã tạo điều kiện để khai thông biên giới. Đầu năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến đang trên đà phát triển, góp phần trực tiếp chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng biên giới mùa khô năm 1950.
Trần Trọng Trung
Bài 2: Tầm nhìn chiến lược và quyết tâm tạo thế, tạo lực đón thời cơ