Một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, Quốc hội khóa XIV là một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với những thành tựu và dấu ấn nổi bật, tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: Lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như các hoạt động ngoại giao nghị viện. Các cơ quan của Quốc hội đã nỗ lực, quyết liệt đổi mới, chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, luôn thể hiện bản lĩnh, nêu cao trách nhiệm trước cử tri, nhân dân; lắng nghe, phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phát huy trí tuệ, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: VPQH 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành khá trọn vẹn trên nhiều lĩnh vực: Công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, đặc biệt là công tác đối ngoại. “Hình ảnh Chủ tịch Quốc hội điều hành các phiên họp tại Đại hội đồng AIPA 2020 cho thấy sự thành công rất lớn trong công tác đối ngoại. Sự thành công đó có sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì khẳng định: Một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội ban hành trong nhiệm kỳ qua là một nỗ lực lớn của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Cử tri quan tâm, đánh giá cao hoạt động của Quốc hội đã và đang chuyển mạnh từ tham luận sang thảo luận, tranh luận; Chủ tịch Quốc hội và các Phó chủ tịch đã rất bản lĩnh, khéo léo, linh hoạt trong điều hành để quá trình thảo luận, tranh luận đạt hiệu quả tốt nhất.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã góp phần cốt yếu tạo nên một sự đoàn kết thật sự, một sự đồng lòng sâu sắc, một khối thống nhất cao độ giữa Đảng với Nhà nước với nhân dân, cử tri. Cử tri theo dõi các hoạt động của Quốc hội, nhận xét về từng đại biểu Quốc hội, về nội dung hoạt động của Quốc hội... Điều này chứng tỏ cử tri và nhân dân hiện nay đã tin cậy, gắn bó với Quốc hội hơn. Đó là điều chúng tôi thấy rất hạnh phúc! “Trong 5 năm qua, không ít lần chúng ta chứng kiến những cuộc tranh luận nóng bỏng tại hội trường, đã có những dự thảo luật, bộ luật, nghị quyết mặc dù đã được chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn được các đại biểu Quốc hội "mổ xẻ", thảo luận nhiều chiều, nhiều mặt một cách trách nhiệm, có lý, có tình và yêu cầu sửa lại, soạn lại, thậm chí là không thông qua. Đó là một sự dân chủ thực sự, là sự tiến bộ của Quốc hội khóa XIV”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Tiến tới “Quốc hội không giấy tờ”

Các đại biểu bày tỏ mong muốn, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những khóa tới sẽ tiếp thu những thành công của Quốc hội khóa XIV để thành công hơn, để được nhân dân tin cậy và tín nhiệm hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội. Theo đại biểu, Quốc hội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội, như tổ chức triển khai họp trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát nên đã bảo đảm phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động và chất lượng của các phiên họp. Cùng với đó là cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các đại biểu Quốc hội thông qua máy tính bảng cá nhân thay vì hình thức tài liệu giấy truyền thống, giảm tải lượng lớn các tài liệu in ấn, tiến tới một “Quốc hội không giấy tờ”...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu. Ảnh: VPQH 

Tuy vậy, đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị, công tác chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. “Cần sắp xếp lại hệ thống tài liệu trên phần mềm điện tử để hiển thị khoa học hơn theo các nhóm nội dung và trình tự thời gian, khắc phục tình trạng tài liệu hiển thị lộn xộn, khó tra cứu, theo dõi như hiện nay. Nâng cấp phần mềm để hạn chế tình trạng lỗi hệ thống và không truy cập được vẫn xảy ra...”, đại biểu nói.

Để không còn cảnh “đốt đuốc” đi tìm nhân sự

Quan tâm đến những “hạt nhân then chốt” của Quốc hội - những người đại biểu của nhân dân, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, việc lựa chọn đại biểu Quốc hội là vấn đề quan trọng để không ngừng nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng hoạt động thực chất của đại biểu Quốc hội.

“Lâu nay, về cơ bản, việc lựa chọn đại biểu Quốc hội qua nhóm đối tượng, trên cơ sở số lượng, cơ cấu được phân bổ theo kiểu "so bó đũa, chọn cột cờ". Cách làm này dẫn đến sự thiếu chủ động, phạm vi lựa chọn còn hạn hẹp, thời gian lựa chọn rất ngắn, gấp gáp cùng với nhiều yếu tố khác nên đại biểu Quốc hội được lựa chọn đôi khi chưa thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cá biệt còn lọt vào Quốc hội những người có vi phạm không đủ tư cách làm đại biểu buộc phải xử lý sau đó..”, đại biểu tỉnh Quảng Trị nói.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: VPQH 

Do đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần xem xét, đánh giá đầy đủ cách thức tổ chức lựa chọn, giới thiệu đại biểu Quốc hội. Muốn vậy, cần xây dựng sớm phương án khung về nhân sự đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa sau, ngay từ đầu nhiệm kỳ hay giữa nhiệm kỳ của khóa trước; không để đến cuối nhiệm kỳ mới xây dựng như hiện nay. Theo đó, trên cơ sở định hướng nhân sự khung để thực hiện quy hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu chuyên trách các cấp. Khi đã có cơ chế tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng, lựa chọn một cách chủ động, khoa học, chặt chẽ, rộng mở thì mới có nguồn để lựa chọn ra những đại biểu Quốc hội thực sự có tâm, có tầm, thực sự như mong đợi của nhân dân; khắc phục được tình trạng là trước kỳ bầu cử Quốc hội phải “đốt đuốc đi tìm nhân sự”.

Cần có cơ chế quy hoạch, tạo dựng nguồn đại biểu chuyên trách ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các vụ thuộc Văn phòng Quốc hội. Bởi đây là nguồn nhân sự thực sự có chất lượng, được trải nghiệm qua thực tiễn hoạt động tham mưu, giúp việc cho hoạt động Quốc hội. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội, nhất là giám sát việc thực hiện lời hứa, chương trình hành động, vận động bầu cử của đại biểu Quốc hội trước cử tri; có khen, có chê mới tạo được động lực thúc đẩy đại biểu Quốc hội thi đua làm tốt, làm tròn trách nhiệm của mình trước Quốc hội và trước nhân dân.... – đại biểu Hoàng Đức Thắng đề xuất. 

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu. 

 

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Có đại biểu hôm qua thảo luận tại tổ đã nói, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, dù chúng ta bước đi trên "con đường không trải hoa hồng" nhưng chúng ta vẫn thành công, để lại những dấu ấn nổi bật, là những năm tháng không thể nào quên. 

Từng đại biểu Quốc hội, từng Đoàn đại biểu Quốc hội, chúng ta đã trải qua những công việc rất trách nhiệm trước cử tri và nhân dân tại hội trường này trong suốt 5 năm qua trong những kỳ họp, những phiên họp, những cuộc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và những hội nghị chuyên đề để bàn về những công việc của Quốc hội.

Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp của chúng ta, của từng đại biểu Quốc hội, từng Đoàn đại biểu Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội đã thực hiện đúng lời hứa với cử tri. Đó là chúng ta hành động vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quốc hội khóa XIV đã để lại một nền tảng vững chắc cho khóa XV và các khóa tiếp theo!

PHƯƠNG HẰNG