KS Nguyễn Hoài Giang

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai thực hiện tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), với công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng xăng dầu trong cả nước. Để bạn đọc hiểu rõ thêm về công trình này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với KS Nguyễn Hoài Giang, Phó tổng giám đốc kỹ thuật, Phó trưởng ban phụ trách chạy thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

- Những dòng sản phẩm đầu tiên của nhà máy đã ra đời. Xin ông vui lòng cho biết vắn tắt quá trình chuẩn bị, xây dựng để có được kết quả như ngày hôm nay.?

- Có thể nói tóm tắt thế này, ngay từ cuối những năm “chín mươi” của thế kỷ trước, chính xác là cuối năm 1997 đầu năm 1998, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được triển khai theo Quyết định 514/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2003, chúng ta hợp tác với Nga để xây dựng nhà máy theo tỷ lệ góp vốn 50/50. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến tháng 2 năm 2003 dự án trở lại hình thức Việt Nam tự đầu tư. Sau một thời gian dài nỗ lực, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, ngày 17-5-2005, Hợp đồng EPC 1+4 đã được ký kết với Tổ hợp nhà thầu Technip. Và ngày 17-6-2005 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 546/QĐ-TTg quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Ngày 25-6-2005, Hợp đồng EPC 1+4 có hiệu lực, tiến độ của dự án được xác định là 44 tháng. Quá trình thực hiện dự án từ năm 2005 đến nay đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách liên quan đến kỹ thuật, thời tiết, điều kiện địa chất, thị trường và nguồn nhân lực. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu với công nghệ rất hiện đại, tổng mức đầu tư lên đến trên 2,5 tỷ USD.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cùng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư và hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, Nhà máy đã được xây dựng, đưa vào vận hành thương mại đúng tiến độ.

- Ông có thể tóm tắt những công việc chính đã thực hiện trong 44 tháng vừa qua?

- Đầu việc thì rất nhiều, tôi chỉ xin giới thiệu những nét cơ bản, những khối lượng công việc chính đã thực hiện. Về tổng thể, việc triển khai thực hiện toàn bộ dự án bao gồm các phần việc: thiết kế, mua sắm, xây dựng lắp đặt và chạy thử, được nhà thầu thực hiện dưới hình thức trọn gói, gọi tắt là gói thầu EPC. Gói thầu này gồm có: EPC 1+4 và 2+3, đến nay nhà thầu đã thực hiện xong toàn bộ công tác thiết kế, đặt hàng, mua sắm, thi công xây lắp và bắt đầu công tác chuẩn bị chạy thử, chạy thử và khởi động từng phần các phân xưởng của nhà máy. Nhà thầu đã sử dụng hàng trăm ngàn tấn vật tư thiết bị và sắt thép, trên 5 triệu mét dây cáp điện, hàng chục vạn mét khối bê tông, huy động hàng chục ngàn người làm việc trên công trường. Đê chắn sóng, chúng tôi gọi là Gói thầu 5A, hoàn thành từ tháng 5-2008 đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, vượt tiến độ gần 5 tháng. Các nhà thầu đã xử lý nền đất yếu bằng cách nạo vét và thay thế hơn 1.200.000m3 cát và đá, thi công đổ 1.568.000m3 đá thân đê, đúc và lắp đặt 21.472 cấu kiện bê tông phá sóng Accropode. Cảng xuất sản phẩm là Gói thầu 5B, đã hoàn thành phần thi công xây dựng lắp đặt và đang kiểm tra, chạy thử để đưa vào sử dụng trong quý 2 năm 2009. Các nhà thầu đã thi công 2.238 cọc đỡ cầu cảng, trong đó có 821 cọc khoan và hạ vào đá gốc, 1.417 cọc đóng; đúc và lắp đặt 168 dầm dự ứng lực, đổ hơn 48.000m3 bê tông sàn cầu dẫn. Khu nhà hành chính và dịch vụ, gọi tắt là gói thầu số 7, đã hoàn thành và bàn giao từng phần các hạng mục bao gồm khu làm việc hành chính, nhà ăn, trạm cứu hỏa, nhà giặt là, nhà bảo vệ, hội trường... để đưa vào sử dụng sớm phục vụ công tác chạy thử và khởi động nhà máy.

- Xin ông cho biết những sản phẩm chính được sản xuất tại đây?

- Công tác chuẩn bị chạy thử và chạy thử nhà máy đã được tiến hành từ tháng 5-2008, luôn được kiểm soát chặt chẽ và duy trì đúng tiến độ. Đã có 800 tấn khí LPG, 52.500 tấn dầu Diesel và trên 160.000 tấn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ được nhập để phục vụ chạy thử và vận hành thương mại nhà máy. Công suất chế biến là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 148.000 thùng/ngày). Khi nhà máy đi vào vận hành sẽ cho ra 6 loại nhiên liệu chính gồm: Propylene, với công suất 150.000 tấn/năm; LPG công suất 300.000 tấn/năm; Xăng Mogas 90-92-95 công suất 2.500.000 tấn/năm; dầu hỏa và nhiên liệu phản lực J-A1 có công suất 410.000 tấn/năm; Diesel ôtô công suất 3.000.000 tấn/năm; dầu nhiên liệu (FO) công suất 330.000 tấn/năm. Ngoài ra, nhà máy còn tự sản xuất ra một lượng lớn dầu và khí nhiên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất phụ trợ nội bộ (điện, nước, hơi, khí điều khiển, nitrogen…) để phục vụ vận hành sản xuất hàng ngày. Giai đoạn một (hiện tại) chúng tôi sản xuất từ 100% nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ của Việt Nam; giai đoạn hai, chế biến dầu thô hỗn hợp, gồm 85% dầu thô từ mỏ Bạch Hổ và 15% dầu chua Dubai. Trong giai đoạn chạy thử, do các yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật và an toàn có thể chỉ đạt 60% - 70% công suất thiết kế, sau đó từ tháng 8 đến cuối năm sẽ đạt 100% công suất. Ngoài những sản phẩm trên, một năm nhà máy sẽ cung cấp khoảng từ 110.000 đến 150.000 tấn Polypropylen, thời gian đầu sản phẩm này sẽ được bán cho nhà thầu Marubeni của Nhật Bản, khi xây dựng xong và đưa vào vận hành nhà máy chế biến Polypropylen (khoảng tháng 6-2010) sẽ cho ra sản phẩm hạt nhựa với sản lượng từ 300 đến 500 tấn/ngày.

-Nguồn nhân lực hiện tại của nhà máy đã đủ sức đáp ứng theo yêu cầu chưa, thưa ông?

-Để có đủ nguồn nhân lực phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất, thời gian qua chúng tôi đã tuyển chọn 1.046 kỹ sư và công nhân kỹ thuật, họ đã được hoàn tất chương trình đào tạo theo đúng kế hoạch, trong đó có 510 kỹ sư và công nhân kỹ thuật là người Quảng Ngãi, chiếm tỷ lệ 48,75%. Hiện tại, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân kỹ thuật của nhà máy đã đảm đương được 50% khối lượng công việc. Tương lai không xa, họ có đủ năng lực vận hành nhà máy theo yêu cầu. Tôi tin tưởng rằng, từ nhà máy này có nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật sẽ là nòng cốt để xây dựng các nhà máy lọc dầu tương tự, khi công nghiệp hóa dầu của nước nhà phát triển.

- Có những băn khoăn về nguồn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy, theo ông thực chất vấn đề này là gì?

-Hẳn bạn đọc còn băn khoăn về nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Đúng là công nghệ hiện tại của Nhà máy là để xử lý nguồn dầu từ mỏ Bạch Hổ. Song theo quy luật tự nhiên, nguồn dầu thô từ mỏ này sẽ cạn dần. Do vậy, chúng tôi đã có kế hoạch dự phòng nhập nguồn dầu thô từ các mỏ: Cá Ngừ Vàng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng... Về lâu dài, đã có kế hoạch đàm phán với các hãng dầu lớn trên thế giới như BP, Shell… để họ bảo đảm nguồn dầu thô đầu vào đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà máy. Khi nhà máy được mở rộng và nâng cấp, sẽ có những cải tiến để có thể sử dụng các nguồn dầu nguyên liệu hỗn hợp từ dầu ngọt (hàm lượng lưu huỳnh thấp) và dầu chua (hàm lượng lưu huỳnh cao) mua từ Trung Đông, đồng thời công suất của nhà máy cũng sẽ được cải tiến để tăng lên đến 130% đến 140% nhằm nâng cao hiệu suất và hiệu quả của nhà máy. Tất cả những phương án này đều đã được tính toán kỹ và về yêu cầu kỹ thuật công nghệ là hoàn toàn khả thi để hiện thực hóa trong thời gian ngắn sắp tới.

-Tương lai phát triển của nhà máy được hoạch định như thế nào, thưa ông?

-Chính phủ đã đồng ý với chủ trương nghiên cứu mở rộng nhà máy. Hiện nay, chúng tôi đã có những nghiên cứu sơ bộ, đã và đang triển khai làm việc với các tập đoàn lọc hóa dầu và xây dựng nhà máy lọc dầu lớn trên thế giới về phương án mở rộng nhà máy. Đã có nhiều phương án được tính đến, song một trong những phương án hiệu quả và khả thi nhất là nâng cấp nhà máy hiện nay lên 130% đến 140% công suất như một số nơi trên thế giới đã làm, khi đó công suất của nhà máy sẽ lên đến 8,5 triệu - 9 triệu tấn/năm, đồng thời áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ cao như tối ưu hóa hệ thống điều khiển APC (Advance Process Control), hệ thống điều hành sản xuất (Total Production Optimizing) v.v. nhằm giảm thiểu lượng nhiên liệu hao hụt, rò rỉ, mất mát trong quá trình vận hành, tối ưu hóa các thông số pha trộn để giảm thiểu lượng hao phí chủ động (give-away) v.v..

Phương án thứ hai, là nghiên cứu, xây dựng thêm các dây chuyền công nghệ bổ sung bên cạnh nhà máy cũ để có thể nâng cao độ linh động trong vận hành, đồng thời nâng cao hiệu quả tổng thể của toàn nhà máy. Thực hiện theo phương án này sẽ tận dụng được lợi thế về hạ tầng, nhân lực. Tuy nhiên, dù thực hiện phương án nào chúng ta cũng sẽ có đủ khả năng và có cơ sở nền tảng vững chắc, bởi khi thiết kế xây dựng, đều đã tính tới việc mở rộng trong tương lai.

-Xin cám ơn ông!

ĐẶNG TRUNG HỘI (thực hiện)