Giá tất cả các nguyên vật liệu xây dựng tăng chóng mặt trong thời gian gần đây đang đẩy các nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản, nhiều công trình đang trong tình trạng chậm tiến độ, tạm dừng thi công…
Vật liệu xây dựng tăng giá - “cơn ác mộng” của các nhà thầu
Liên tục từ năm 2006 đến nay, thị trường xây dựng Việt Nam chứng kiến dồn dập những “cơn bão” tăng giá vật liệu xây dựng. Hầu hết các loại vật liệu chính trong xây dựng như sắt thép, xi măng, cát xây dựng, gạch… đều tăng giá chóng mặt, nằm ngoài dự tính của tất cả các nhà thầu và các chủ đầu tư.
Chỉ tính riêng từ tháng 10/2007 đến nay, giá của hầu hết các loại vật tư đều có mức tăng từ 20%-50%. Tăng mạnh nhất là sắt thép với mức tăng xấp xỉ 55%, từ 10.500 đồng/kg vọt lên 16.000 đồng/kg; gạch thẻ, gạch ống với mức tăng xấp xỉ 50%, từ 500-550 đồng/viên vọt lên 1.100 đồng/viên, xi măng tăng 30.000 đồng/tấn…
Với mức tăng giá này, theo tính toán của các chủ thầu, giá trị thực tế công trình có dự toán được lập tại thời điểm giữa năm 2007 đã tăng trung bình ít nhất 20%. Trong khi đó, theo phân tích của Tiến sĩ Dương Văn Cận - Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, chi phí trực tiếp nguyên, vật liệu của một công trình thường chiếm từ 60% - 80% tổng dự toán. Nên một khi giá vật liệu chỉ tăng 1% là đã làm ảnh hưởng tăng đáng kể đến giá thành xây dựng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phương, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vinaconex cho rằng, trong các hoạt động kinh doanh, hợp đồng là quan trọng nhất. Thông thường, trước khi đặt bút ký, các nhà thầu phải xem xét kỹ các điều khoản, mức giá trong hợp đồng và phải chấp nhận tất cả những gì đã cam kết, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, nhìn lại diễn biến giá cả nguyên vật liệu trong năm qua có thể thấy, sự biến động về giá đã vượt ngoài khả năng dự đoán của tất cả các nhà thầu và chủ đầu tư. Và xu hướng tăng giá có thể sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa. Thậm chí, đại diện của đơn vị hàng đầu trong ngành xây dựng này đã phải thốt lên: “Giá vật liệu tăng như hiện nay thực sự là “cơn ác mộng” với các nhà thầu, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá”.
Nhà thầu đang đứng trước nguy cơ phá sản
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam thừa nhận, “cơn bão giá” vật liệu xây dựng hiện đang khiến rất nhiều nhà thầu “lao đao”, và họ có thể tuyên bố phá sản bất cứ lúc nào. Nhiều dự án, công trình đang được triển khai thi công bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số nhà thầu đã bị lỗ nặng. Một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận phạt hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Do trượt giá, nhiều nhà thầu dù đã được lựa chọn nhưng không ký được hợp đồng, có những gói thầu tuy đã ký được hợp đồng và đang triển khai nhưng cũng bị ngưng trệ. Cũng có dự án đang triển khai, đã lên kế hoạch đấu thầu nhưng khi mời thầu thì không có nhà thầu nào tham gia vì gói thầu không được điều chỉnh giá.
Theo phân tích của ông Vũ Khoa, trên thị trường trong nước và thế giới, giá vật tư nguyên liệu và hàng hoá nói chung cũng như giá vật liệu xây dựng nói riêng luôn luôn có biến động, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề cần xử lý trong các hợp đồng kinh tế. Một dự án được lập với tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt có khi phải đợi giải phóng mặt bằng và các thủ tục khác tới dăm ba năm, giá các loại vật tư, vật liệu trong thời gian này đã có biến động lớn, nhưng theo luật đấu thầu, nếu nhà thầu bỏ giá cao hơn giá gói thầu được duyệt thì cuộc đấu thầu sẽ bị huỷ, còn nếu được trao thầu theo giá được duyệt thì nhà thầu cầm chắc lỗ to.
Thực tế này được chứng minh ở Công ty Xây lắp công trình xây dựng Nam Định. Ông Nguyễn Phú Khải - Giám đốc Công ty cho biết, cuối năm 2007, Công ty trúng thầu trọn gói công trình Xây dựng cống thuỷ lợi trị giá 5 tỷ đồng. Nhà thầu được lệnh se đê đắp đập tạm để thi công. Tiến độ bắt buộc phải xong trước mùa mưa bão tháng 4/2008. Khối lượng thép xây dựng các loại cho gói thầu ước trên trăm tấn. Tuy nhiên, trước những biến động mạnh của giá thép xây dựng, nhà thầu đành “nghiến răng” bỏ tiền túi bù lỗ ngót tỷ đồng để mua đủ thép làm đúng tiến độ.
Còn ông Nguyễn Thành Phương nêu thực tế công trình hồ chứa nước Cửa Đạt (Thanh Hoá) do Vinaconex làm chủ thầu đang có một số gói thầu bị ách lại. Nguyên do là khi nhà thầu phụ đưa hơn 2.000 công nhân vào nhận công trình thì ngay lập tức, công nhân đã quay đầu bỏ đi vì giá cả chênh lệch quá lớn. “Họ không thể làm theo đơn giá cũ với mức tiền công cũ....”, ông Phương bức xúc.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Công, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Tư vấn Công nghệ Thiết bị và Kiểm định Xây dựng - Coninco bày tỏ lo ngại: “Thi công trong điều kiện các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá, không ít nhà thầu “bỏ công trình chạy lấy người” khi việc thương lượng bù lỗ giá vật liệu xây dựng với chủ công trình bất thành. Với những chủ thầu vẫn tiếp tục nhận thi công thì để tránh tình trạng thua lỗ đã tìm mọi cách giảm chi phí vật liệu xây dựng như giảm mác vữa xây, mác vữa bê tông, giảm số lượng thép, sử dụng những vật tư, vật liệu kém chất lượng đưa vào công trình,… dẫn tới chất lượng công trình bị suy giảm nghiêm trọng”./.
Theo Thuỷ Tâm (VOV News)