* Đề nghị bỏ tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”

QĐND - Người bị kết án tử hình đã được ân giảm xuống chung thân, nếu trong thời gian chấp hành án phạt tù mà có nhiều cố gắng thì có được giảm án nữa không? Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cả với các đại biểu Quốc hội lẫn khi lấy ý kiến nhân dân. Ngay tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 16-10, khi cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đây vẫn là vấn đề chưa tạo được sự thống nhất quan điểm.

Dự thảo Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày cho thấy, các đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau về quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành chung thân, tán thành không xét giảm án và đề nghị vẫn cho xét giảm án nhưng với điều kiện khắt khe hơn. Kết quả lấy ý kiến nhân dân về vấn đề này cũng thể hiện 2 luồng ý kiến như vậy.

Cũng theo dự thảo báo cáo, việc không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân sẽ làm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt. Tuy nhiên quy định này "sẽ làm phát sinh một loại hình phạt mới-tù chung thân không giảm án". Điều này dễ làm nảy sinh tâm lý tiêu cực với người bị áp dụng vì không còn động cơ để cải tạo, phục thiện. Do vậy, UBTVQH dự định trình Quốc hội 2 phương án để Quốc hội xem xét quyết định. Phương án thứ nhất, quy định cho xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống chung thân với điều kiện chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, đó là “thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm án lần đầu là 25 năm, dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm”. Phương án thứ 2 là không quy định xét giảm án đối với những đối tượng này.

Phát biểu trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, Chính phủ đề nghị không giảm án với những người đã được ân giảm từ tử hình xuống chung thân.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, nếu không cho phép những đối tượng này được giảm án tiếp thì sẽ khiến họ không còn động cơ để cải tạo, phục thiện. Ông đã cùng Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể đi giám sát và nhận thấy vẫn nên giảm án tiếp cho người đã được ân giảm án từ tử hình xuống chung thân.

* Kết quả tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng và ý kiến nhân dân cho thấy, đề nghị bỏ tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165-Bộ luật Hình sự hiện hành) để thay thế bằng các tội danh khác cụ thể hơn đã đạt được sự đồng thuận cao. Vì thế, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội theo hướng này. Theo đó, để cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng, việc bỏ Điều 165-Bộ luật Hình sự và thay thế tội danh này bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết. Trên cơ sở cân nhắc kỹ kết quả tổng kết thực tiễn xét xử về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong những năm qua, đồng thời rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, UBTVQH dự kiến thay thế Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành bằng 6 tội danh mới trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đó là các tội “sử dụng tài sản Nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây thất thoát, lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 222); “vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 223); “vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 224); “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 225); “thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 226) và “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 227).

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; về Hội đồng Bầu cử quốc gia và ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

Cuối buổi chiều, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 42 của UBTVQH.

CHIẾN THẮNG