QĐND - Đã hơn 35 năm kể từ khi phục viên, người thương binh, cựu chiến binh Mẫn Đức Lâm, ở thôn Ngân Cầu, thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) luôn cần cù, sáng tạo, lao động không ngừng nghỉ. Những vết thương trên cơ thể thường hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời, nhưng không ngăn được quyết tâm của người lính Cụ Hồ trên “trận tuyến” chống đói nghèo, để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, không chỉ riêng cho gia đình mình. Dân làng, đồng đội cũ mến phục gọi người cựu chiến binh ấy là "ông Lâm bách nghệ”.
 |
Cựu chiến binh Mẫn Đức Lâm.
|
Tháng 2-1975, vừa tròn 18 tuổi, Mẫn Đức Lâm tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B. Sau hơn một tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, đơn vị hành quân thần tốc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, đơn vị lại trở ra Thanh Hóa chỉnh quân, bổ sung lực lượng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Tháng 11-1977, khi tình hình biên giới Tây Nam căng thẳng, đơn vị nhận lệnh hành quân vào Tây Ninh. Trong một trận chiến đấu với quân Pôn Pốt tại Công Pông Chàm (Cam-pu-chia), Mẫn Đức Lâm bị thương nặng, được chuyển về tuyến sau điều trị; giám định thương tật loại 3/4. Tháng 2-1979, anh phục viên, khi hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn: Bố mẹ đã già yếu, vợ đang mang thai đứa con đầu lòng; 6 người em ruột đều dở dang việc học hành, không có việc làm ổn định, cái đói nghèo luôn hiện hữu trước một “núi” miệng ăn…
Người anh cả Mẫn Đức Lâm phải làm đủ nghề để kiếm sống và trang trải cho gia đình. Với chiếc xe đạp thồ, ngày ngày anh cần mẫn mua nông sản sang bán ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua (Hà Nội), khi trở về là mì sợi, cá khô, bánh mì… để bán ở chợ làng; rồi mua lân, đạm về bán cho người trồng lúa, trồng màu. Ông sắm cả chài, lưới, đơm, đó bắt tôm, cá; vay mượn thêm bạn bè, mua máy làm kem; rồi mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, xe đạp, xe gắn máy... Vừa làm, ông vừa truyền lại nghề cho các em trai. Có dạo, thấy các cơ sở sản xuất hàng mộc phát triển, ông tìm lên các vùng xa mua gỗ cây, gỗ tấm chở về bán cho các làng nghề, các hiệp thợ, cả trong và ngoài huyện. Bằng sự kiên trì làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, ông đã có một “khoản kha khá” để lần lượt mua đất, dựng nhà, cưới vợ cho các em trai; tiếp đó cùng với người vợ hết mực thủy chung, đảm đang nuôi dạy, cho ăn học và gây dựng tổ ấm cho 4 cậu con trai.
Từ năm 2000 đến 2003, trong lúc đang còn vướng bận với bao công việc của gia đình, nhưng được xã viên tín nhiệm, ông đã toàn tâm, toàn sức làm tròn bổn phận một phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp của thôn. Do sức khỏe giảm sút, các vết thương cũ tái phát, ông phải xin nghỉ công việc này. Về nhà, ông lại bàn với vợ, thuyết phục các con góp vốn mua phông bạt, bát đĩa, bàn ghế, cho các đám hiếu, hỷ, hội nghị thuê. Năm 2007, ông tậu một con “trâu sắt” để chuyên chở vật liệu xây dựng, kết hợp cày, bừa làm đất phục vụ gieo cấy. Ông không bao giờ để khách phải băn khoăn về chất lượng vận chuyển, giá cả cày bừa, nên làm không hết việc.
Dù chỉ 4 năm trong quân ngũ, nhưng nhờ kinh qua chiến đấu, gian khổ, hy sinh đã hình thành trong ông tính quyết đoán: Thua keo này, bày keo khác, dám đương đầu với thử thách, rủi ro, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thời gian tại ngũ, ông được tặng Huy chương Chiến sĩ giải phóng và bằng khen của trung đoàn. Và bây giờ ông có một đại gia đình gồm 3 thế hệ, sống no ấm, hạnh phúc, mà ông là người “vừa thiết kế, vừa thi công”. Chia tay tôi, cựu chiến binh Mẫn Đức Lâm bộc bạch: "Môi trường quân đội đã rèn cho tôi nghị lực sống để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không chịu bó tay, không chịu đầu hàng. Đó cũng là một trong những bí quyết thành công của tôi."
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG KỲ