QĐND Online – Ngày 11-4, thành phố Huế tiếp tục sôi động với các sự kiện nối tiếp trong ngày.

* Lễ hội Hương xưa làng cổ tại Phong Điền tái hiện không gian văn hóa ngôi làng cổ với các hoạt động mang tính cộng đồng đặc sắc, góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của một làng di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiện – Huế. Với sự hỗ trợ của Jica Nhật Bản, nghề nung gốm cổ và nét văn hóa ẩm thực làng quê được nâng lên, thu hút du khách về với ngôi làng trên 500 tuổi.

Tác phẩm nhằm tưởng nhớ công lao của gia đình Tagore trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ thoát khỏi những rào cản xã hội, tạo nền móng cho thời trang Ấn Độ hiện đại. Ảnh: BTC

* Người dân huyện Phong Điền và A Lưới được thưởng thức chương trình nghệ thuật đến từ đoàn Nghệ thuật truyền thống Kalasin (Thái Lan) và đoàn nghệ thuật dân gian tiêu biểu Raices Profundas (Cu-ba). Các điệu múa truyền thống như: Sokothai, múa Phu Thai, múa dừa Grapo, vũ kịch Khon trong sử thi Ramakien; những tiết tấu sôi động đầy say mê mang phong cách âm nhạc bản xứ của đất nước Cu-ba... đã khiến những người dân vùng xa cũng được hòa mình trong không khí lễ hội của festival.

*Tại Duyệt Thị Đường, nghệ sĩ dương cầm Artur Dutkiewicz đã có buổi trình diễn những bản nhạc mazurka theo phong cách jazz của riêng ông. Trong khi đó, nhóm Janusz Prusinowski Trio thể hiện những bản mazurka truyền thông bằng các nhạc cụ dân gian. Đây là sự kết hợp giữa jazz hiện đại với nhạc dân gian Ba Lan.

* Tại Ngọ Môn, đoàn nghệ thuật của Trung tâm ca múa nhạc truyền thống Dongguk-thành phố Gyeongju lần đầu tiên tham dự festival Huế đã gửi tới khán giả các tiết mục tiêu biểu như Samulnori, Daegum Sanjo, Salpuri…Chương trình phản ánh sự phong phú, đa dạng của nền âm nhạc và các điệu múa truyền thống của đất nước này.

Triển lãm “Sưu tập cổ vật Di sản Văn hóa Huế” vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân

* Tại Nhà văn hóa Huế, hội đồng Giao lưu Văn hóa Ấn Độ đã gửi tới khán giả 2 chương trình “Thakurbarir Shajposhak” và “Chanda-Malika”. Thakurbarir Shajposhak là tác phẩm nghe nhìn sinh động, kết hợp hình ảnh phong cách thời trang và những giai thoại thú vị của gia đình Tagore được minh họa bởi các vũ công và diễn viên trên sân khấu. “Chanda-Malika” đã khám phá nhiệp điệu bằng triết lý của Tagore giới thiệu những nét biểu cảm trong phách nhịp của vũ điệu Odissi với việc kết hợp hai dòng nhạc cổ điển của Ấn Độ-Hidustani và Carnatic.

* Tại Cung An Định diễn ra chương trình của nghệ sĩ, nhà soạn nhạc Tim Exile đến từ Vương quốc Anh. Với chiếc máy tự thiết kế và lập trình, Tim Exile đã thực hiện toàn bộ buổi hòa nhạc điện tử ngẫu hứng, sử dụng âm thanh trực tiếp từ khán giả và các cộng sự trên sân khấu.

* Tại Nhà văn hóa Huế, đoàn nghệ thuật Ấn Độ đã cống hiến đến công chúng những nét biểu cảm trong phách nhịp của vũ điệu Odissi, kết hợp với hai dòng nhạc cổ điển của Ấn Độ là Hindustani và Carnatic.

 * Hàng loạt các chương trình triển lãm: Thắng cảnh Việt Nam, Nhịp mưa trầm, Dấu tích và sự kỳ diệu; lễ hội bia Huế, lễ hội chợ quê cầu ngói Thanh Toàn, lễ hội đường phố, đêm nhạc Tình sông Hương... vẫn tiếp tục diễn ra.

Tin, ảnh: Thu Hà – Hải Lý