Chị tâm sự: “Mặc dù đã được đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới, nhưng tôi vẫn thích về Việt Nam biểu diễn nhất…”

Mặc dù đã có gần 20 năm sinh sống tại Đức, nhưng vẻ dịu dàng, đằm thắm của người con gái xứ Huế vẫn thấm đượm trong con người của nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh. Ở chị, trái tim, đôi tay và những nốt nhạc đã hòa làm một, tạo nên một nét riêng, rất độc đáo trong tài năng âm nhạc thiên phú của nữ nghệ sĩ tài hoa này. Sự đam mê âm nhạc khiến cho các nốt nhạc luôn nhảy múa trong đầu chị, sự nghiêm túc đến mức tối đa trong lao động nghệ thuật đã đem đến cho chị những thành quả rực rỡ trên con đường chinh phục đỉnh cao của thế giới âm nhạc. Đúng vậy, chỉ khi được nghe bản “Sonata B dur KV 281” của thiên tài âm nhạc W.A. Mozart, “Polonaise fis moll” của F. Chopin hay bản giao hưởng số 1, số 5 của Beethoven..., người nghe mới đánh giá và cảm nhận được hết tài năng âm nhạc của chị. Dưới bàn tay của Tôn Nữ Nguyệt Minh, những nốt nhạc được biến tấu một cách lạ kỳ, khi trẻ trung, tinh nghịch, khi lãng mạn, bay bổng, và cũng có khi ẩn chứa một thế giới đầy nội tâm, trăn trở. Khi thưởng thức âm nhạc của chị, người nghe chỉ cảm nhận được duy nhất một dòng chảy trong vắt của âm thanh mang linh hồn những nhà soạn nhạc. Đôi tay tài hoa của chị đã cho người nghe cảm nhận đầy đủ nhất nét táo bạo và đầy lãng mạn của Fantasy Rigoletto, và cũng chỉ đôi bàn tay ấy mới vẽ nên được một thế giới đầy cảm xúc của Liszt trong “Sonetto 104 del Petrarca”... Giáo sư Woskessensky (Nhạc viện Moscow) từng nhận xét: “Sự dịu dàng, tinh tế trong cảm thụ cùng vẻ ung dung, thư thái đầy minh triết phương Đông trong biểu diễn đã làm nên sức mạnh tài năng của Tôn Nữ Nguyệt Minh”.

Về Việt Nam trong đêm “Hòa nhạc Beethoven” lần này, nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh đã mang đến cho khán giả Việt Nam một không khí âm nhạc cổ điển mang đậm chất châu Âu. Với bản giao hưởng số 1 của Beethoven, chị đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả, nói về cảm xúc của một người con xa xứ, chị tâm sự rằng: “Mặc dù đã được đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới, nhưng tôi vẫn thích về Việt Nam biểu diễn nhất. Bởi ở đây, tôi luôn nhận được sự ưu ái và chào đón đặc biệt. Với tôi, chơi nhạc là trách nhiệm, mà đã là trách nhiệm thì phải tập trung cao độ. Khi biểu diễn tại Việt Nam thì mình lại càng phải trau chuốt hơn, không được phép sai”. Trở về quê hương, trình diễn phục vụ khán giả của đất nước mình, với chị không có niềm vui nào lớn hơn thế. Khi làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam chị rất vui mừng vì sự triển vọng trong tài năng âm nhạc của họ. Còn với khán giả chị đã thấy được sự đổi mới trong thị hiếu thưởng thức âm nhạc, ngày càng có nhiều người đến với dòng nhạc cổ điển. Theo chị, đây là một tín hiệu tốt trong quá trình hội nhập với dòng chảy văn hóa của nhân loại, vì âm nhạc cổ điển không chỉ là tinh hoa văn hóa của các nước châu Âu mà còn là tinh hoa của cả thế giới. Là một nghệ sĩ thành công với dòng nhạc cổ điển, nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh cho rằng, âm nhạc cổ điển là thể loại âm nhạc hướng thiện chứ không phải thể loại âm nhạc dùng để mua vui, bởi thế, đã gắn bó với nó thì phải có sự hy sinh rất lớn. Theo quan niệm của chị: “Nghệ thuật là một nghề rất khắc nghiệt, mình phải nghiêm túc với chính mình, không được hám danh, hám lợi. Nếu chỉ vướng vào một trong những thứ đó thì sẽ chẳng làm được việc gì...”.

Tạm biệt nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh, những cảm xúc của tôi về chị đó là sự cảm phục một tài năng âm nhạc lớn, một người thầy mẫu mực, một người nghệ sĩ tài hoa của dân tộc Việt Nam và của cả thế giới. Chỉ ít ngày nữa chị sẽ trở về Đức, chị sẽ lại đứng trên bục giảng của Nhạc viện âm nhạc Berlin, chúc cho tài năng của nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh ngày càng tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc thế giới./.
Theo VOV