Một xã ở khu vực xa trung tâm nhất của thành phố Hải Phòng, vậy mà tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học tại đây luôn dẫn đầu thành phố. Kinh tế của xã không hơn các xã vùng Đồng bằng Bắc Bộ, thế nhưng xã từng có học sinh đoạt giải quốc tế. Tại đây còn sản sinh ra những vị giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ lừng danh cả nướcXã này có tên gọi Cổ Am, thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Tại đây đã và đang tồn tại một nghề mà có lẽ chỉ có dân Cổ Am thường gọi, đó là “nghề học”

Theo các cụ cao tuổi ở Cổ Am kể lại thì xã này trước kia là làng Cổ Am thuộc tỉnh Hải Dương. Tên làng do Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt và ông cũng là người có nguồn gốc từ làng này.

So với nhiều làng quê của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Cổ Am không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, xã cách trung tâm thành phố Hải Phòng gần 40km, cách trung tâm huyện Vĩnh Bảo gần 10km, đồng chua, nước mặn, đất chật, người đông… Nhưng có lẽ vì thế mà từ bao đời nay, dân làng Cổ Am đã răn dạy con cháu rằng, muốn thoát đói nghèo, phải học và cái “nghề học” đã tồn tại trên mảnh đất này từ hàng chục thế kỷ.

Nơi đây trước kia là Trường tiểu học Cổ Am được xây dựng từ năm 1926, cái nôi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.

Sử sách còn ghi lại, ngay từ thế kỷ 15, Cổ Am đã có hàng chục sĩ tử theo học tại Quốc Tử Giám. Nhà nho Trần Công Huân là người đầu tiên của làng đỗ Tiến sĩ khoa thi Quý Sửu (1733), nổi tiếng về tài thi phú, được người đương thời mệnh danh là một trong “Ngũ hổ Tràng Am”. Cùng với làng Hành Thiện (nay thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định), Cổ Am luôn là nơi cung cấp nhân tài cho các triều đại phong kiến “Bắc Cổ Am, Nam Hành Thiện”, được mệnh danh là làng khoa bảng. Hiện nay, theo số liệu thống kê của xã, có đến gần một trăm người gốc Cổ Am có học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi tình cờ hỏi chuyện một cậu học sinh lớp 6 về truyền thống hiếu học của làng và đã được cậu trả lời vanh vách. Thầy giáo Phạm Gia Báu, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Cổ Am khẳng định với chúng tôi: Gần như 100% học sinh của trường đều hiểu về lịch sử của làng và đó cũng là điểm tựa cho học sinh của trường phấn đấu theo các thế hệ đi trước.

Một cháu học sinh lớp 7 còn tự hào khoe với chúng tôi: “Chi bộ xã Cổ Am là chi bộ đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo được thành lập từ năm 1938. Cổ Am là xã đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Năm 1946, Cổ Am cũng là xã đầu tiên và duy nhất của Hải Phòng được Bác Hồ gửi thư khen về thành tích “diệt giặc dốt”…

Đồng chí Đào Bá Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Am cho biết: “Nghề học” chính thức được Đảng bộ xã đưa vào Nghị quyết tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25. Đảng bộ đã xác định, đối với Cổ Am, học là một nghề và phát động trong toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp khuyến học, khuyến tài. Ngay từ năm 1993, Hội khuyến học của xã đã được thành lập, sớm hơn 3 năm so với hội khuyến học Việt Nam. Hằng năm, Hội đều tổ chức trao thưởng cho các em học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện, những em đỗ điểm cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng. Đảng bộ xã cũng khuyến khích các chi bộ, các dòng họ và các khu dân cư tổ chức khuyến học. Các dòng học lớn như họ Đào Trọng, Đào Nguyên, họ Trần, họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Bùi... trong xã vào dịp giỗ tổ họ hằng năm đều tổ chức trang trọng lễ dâng hương, tuyên dương khen thưởng con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.

Ở Cổ Am, dân làng vẫn còn giữ nguyên quan niệm coi sự thành đạt trong học tập hơn thành đạt trong làm kinh tế và chức vụ quản lý, bởi vậy giữa các gia đình, dòng họ có sự ganh đua về số người đỗ đại học, số người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ… Chính điều này đã thôi thúc các gia đình, các dòng họ, dù kinh tế có khó khăn vẫn động viên con cháu học hành. 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm xã lại có thêm khoảng 60 cử nhân, 5 thạc sĩ, một tiến sĩ. Đã có nhiều con em học sinh Cổ Am đoạt giải quốc tế như em Trần Trọng Đan, giành Huy chương Bạc kỳ thi Toán quốc tế (tổ chức tại Mê-hi-cô tháng 8-2005). Em Đào Thị Lan Phương, giành Huy chương Vàng môn Pháp ngữ khối ASEAN (tại Xin-ga-po năm 2005). Em Đào Vĩnh Ninh, giành Huy chương Bạc kỳ thi Ô-lim-pích Hóa học quốc tế… Số học sinh Cổ Am đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thành phố và cấp huyện rất nhiều.

Nhờ đầu tư vào “nghề học” mà người dân nơi đây đã đưa cái tên Cổ Am vượt qua khỏi lũy tre làng và cũng từ “nghề học”, bộ mặt của xã đã đổi thay, đường làng được trải nhựa, cả xã đã cơ bản có nhà xây kiên cố.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ